Nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ

10:55 - Thứ Tư, 04/07/2018 Lượt xem: 10859 In bài viết
ĐBP - Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong lứa tuổi thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên diễn ra hết sức phức tạp. Trước tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày một gia tăng trong lứa tuổi này, lực lượng cảnh sát giao thông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành chung tay vào cuộc đưa ra những biện pháp quyết liệt nhằm góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông đáng tiếc liên quan đến đối tượng thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên.

Ðiển hình, thời gian gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. Vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 17/3, tại đường Nguyễn Hữu Thọ (thuộc khu vực tổ dân phố 16, phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy biển kiểm soát (BKS) 27F2 - 0783 do Bùi Duy Tân (17 tuổi) trú tại tổ dân phố 3, phường Noong Bua (TP Ðiện Biên Phủ) điều khiển chở người ngồi sau là Cà Văn Du (18 tuổi) trú tại bản Cọ, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) với xe ô tô mang BKS 29A - 960.03 do anh Phạm Quang Trung (36 tuổi) trú tại phường Quyết Tân, TP Sơn La (tỉnh Sơn La) điều khiển. Hậu quả Bùi Duy Tân và Cà Văn Du đều bị thương, ô tô và xe máy đều hư hỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do Bùi Duy Tân điều khiển xe máy không chú ý quan sát, không có giấy phép lái xe.

 

Lực lượng chức năng thu giữ nhiều thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên, vũ khí, công cụ hỗ trợ của thanh, thiếu niên tham gia giao thông.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Do kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng lên, việc mua sắm cho con em mình một chiếc xe máy, hoặc xe máy điện không còn khó khăn như trước đối với các gia đình. Thế nhưng nhiều gia đình lại buông lỏng quản lý con em và phương tiện, không nhắc nhở con em mình chấp hành pháp luật khi lưu thông trên đường, hay các em đang trong độ tuổi muốn thể hiện mình, mải chơi, nô đùa khi tham gia giao thông nên rất dễ dẫn đến việc các em lưu thông một cách thiếu ý thức, hoặc có kiến thức nhưng không tự giác chấp hành dẫn đến những vụ va chạm và tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.

Tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến rất phức tạp, đa dạng về độ tuổi với nhiều hành vi vi phạm khác nhau. Tại những địa bàn tập trung đông dân cư như: TP. Ðiện Biên Phủ; thị trấn thuộc các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà... thường thấy học sinh điều khiển xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, dàn hàng, chở quá số người quy định đi với tốc độ cao trong đô thị mỗi khi tan học. Ngoài ra còn nhiều hành vi vi phạm khác ở lứa tuổi thanh, thiếu niên và học sinh như: sử dụng rượu, bia tham gia giao thông; lắp đặt trái phép các thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên; tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ khi tham gia giao thông, chống người thi hành công vụ cũng đã xảy ra khiến tình hình trật tự an toàn giao thông ngày càng trở nên đáng báo động.

Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ dân phố, bản; các trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho lứa tuổi thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền không chỉ là phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ mà còn là những buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm xử lý tình huống và cách giáo dục, quản lý con em trong gia đình, nhà trường. Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát giao thông còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ. Cùng với tuyên truyền, lực lượng cảnh sát giao thông từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông trong lứa tuổi thanh, thiếu niên và học sinh, sinh viên; trong đó tập trung xử lý các hành vi càn quấy, bất chấp luật pháp. Ðồng thời, thông báo cho gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương để có giải pháp quản lý, giáo dục đối với lứa tuổi này.

Bài, ảnh: Lan Anh (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top