Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt

08:55 - Thứ Sáu, 17/08/2018 Lượt xem: 10692 In bài viết
ĐBP - “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phong trào văn hóa lớn, mang tính chất toàn dân, toàn diện. Những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã huy động cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia triển khai, thực hiện; vì thế phong trào đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động và đi vào thực hiện từ năm 2000, với nhiều nội dung, hoạt động đa dạng, phong phú: Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, “Xây dựng trường chuẩn văn hóa nông thôn mới, “phường, thị trấn văn minh đô thị”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Tại tỉnh Ðiện Biên, thời điểm khởi đầu phong trào, điều kiện về mọi mặt kinh tế - văn hóa - xã hội còn không ít khó khăn. Song với sự vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan thường trực, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2000, toàn tỉnh Ðiện Biên chỉ có 5.441 gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 12 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa... Nhưng đến nay, kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nhiều con số ấn tượng với tỷ lệ hộ, cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn đạt văn hóa ngày càng cao. Mới đây nhất, trung tuần tháng 4/2018, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 210 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 5 năm (2013 - 2017). Giá trị nhất là từ các hoạt động phong trào, đã có hàng nghìn ngôi nhà “đại đoàn kết” được xây dựng bằng sự quyên góp ủng hộ từ cộng đồng xã hội; hàng nghìn hộ được hỗ trợ xi măng xây, sửa nhà, hỗ trợ vốn, cây con giống để làm kinh tế; hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tặng sách, quần áo, xe đạp, học bổng; phong trào văn hóa quần chúng, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ đã lan tỏa và đi vào đời sống mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, thôn bản...   

Tại các huyện, thị, thành phố và các sở, ban, ngành (đặc biệt là 21 ngành thành viên) đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ đơn vị mình có nhiều đóng góp tích cực và đạt kết quả đáng ghi nhận. Huyện Mường Nhé có địa bàn rộng, dân cư thưa, với nhiều dân tộc thiểu số (Mông, Hà Nhì, Si La...) cùng sinh sống, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, Mường Nhé đã tạo được cộng đồng đoàn kết, chung tay bảo vệ đường biên mốc giới, giữ gìn văn hóa đặc sắc của từng dân tộc, tìm hướng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo hiệu quả... Huyện có những dòng họ điển hình với thành tích xây dựng “gia đình hiếu học”, “dòng họ khuyến học”, “Cộng đồng khuyến học”; nhiều thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư...

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cho biết: Dân cư chủ yếu của xã là người Hà Nhì; đời sống tuy vẫn còn khó khăn nhưng cộng đồng luôn đoàn kết; văn hóa truyền thống được bảo tồn tốt. Dịp lễ, tết dân tộc, Ðảng ủy, chính quyền phối hợp với đoàn thể tổ chức các hoạt động trang nghiêm, đảm bảo tiết kiệm, giữ vững phong tục, tập quán tốt đẹp. Bên cạnh đó, xã phối hợp với lực lượng biên phòng trên địa bàn thực hiện tốt việc giao lưu biên giới, phối hợp tuần tra bảo đảm đường biên mốc giới, phòng chống tội phạm...

Huyện Tủa Chùa coi việc nhân điển hình tiên tiến là mục tiêu để có nhiều mô hình hay, cách làm giỏi, cá nhân điển hình tiên tiến; từ đó góp phần đưa kinh tế văn hóa - xã hội chuyển biến. Hiện Tủa Chùa có hơn 600 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập từ 70 - 150 triệu đồng/năm; 100% khu dân cư triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Năm 2017, huyện có gần 6.700 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu văn hóa, qua bình xét 6.324 hộ đạt danh hiệu văn hóa; trong đó 1.512 hộ văn hóa 3 năm liên tục và được UBND xã, thị trấn công nhận tặng thưởng...   

Có nhiều thuận lợi hơn về kinh tế - xã hội, song cũng có những khó khăn thách thức riêng về an ninh trật tự, sự tác động của cơ chế thị trường; TP. Ðiện Biên Phủ luôn nỗ lực phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn để phong trào đạt hiệu quả cao. Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố luôn chủ động phối hợp với MTTQ, các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân 14 dân tộc, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn hưởng ứng phong trào bằng nhiều hình thức. Nhiều hoạt động phong trào được linh hoạt, khéo léo lồng ghép với nhau để từng cơ sở thực hiện hiệu quả hơn. Công tác bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống, văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm thực hiện. Thành phố xây dựng và phát huy khá hiệu quả trên 200 đội văn nghệ quần chúng biểu diễn giao lưu vào các dịp lễ, tết phục vụ đời sống tinh thần nhân dân và tham gia hội thi, hội diễn, làm du lịch dịch vụ...

Có thể nói rằng, hiệu quả phong trào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại tỉnh Ðiện Biên những năm qua đã nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh...

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top