Ðổi thay Nà Hỳ

09:10 - Thứ Năm, 23/08/2018 Lượt xem: 11485 In bài viết
ĐBP - Thời điểm chia tách, thành lập huyện Nậm Pồ, Nà Hỳ là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn với 7/10 bản thuộc Chương trình 135; 98% dân số là dân tộc thiểu số, dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, tệ nạn xã hội phức tạp... Ðến nay, sau 5 năm được lựa chọn là địa bàn trung tâm của huyện, Nà Hỳ đã có những đổi thay về hạ tầng nông thôn, nông nghiệp, cũng như trong cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.


Hạ tầng giao thông được nâng cấp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hình thành một đô thị mới ở Nà Hỳ.

Sự đổi thay đầu tiên, dễ nhận thấy và cũng khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là hạ tầng giao thông. 3 năm trước đến Nà Hỳ, tuyến đường chính ở trung tâm xã (thuộc bản Nà Hỳ 1, 2, 3) còn là đường đất gập ghềnh, trong mùa mưa, bước ra đường là bùn đất ngập ngụa. Nhưng đến nay, ngoài tuyến đường nhựa đã được đầu tư, sử dụng, nhân dân trong xã còn hiến đất để làm vỉa hè, cho con đường thêm khang trang. Từ ngày thành lập huyện đến nay, có thể tổng hợp những đổi thay, phát triển của xã trên 6 lĩnh vực, gồm: Canh tác nông nghiệp, quy hoạch, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, điện, giao thông, giáo dục và đào tạo. Trong phát triển nông nghiệp, Nà Hỳ dù không phải xã đầu tiên của huyện Nậm Pồ triển khai canh tác lúa 2 vụ (sau Chà Nưa) nhưng lại đi đầu về tốc độ cũng như diện tích. Có thể nói, canh tác lúa 2 vụ là một cuộc cách mạng, mang tính lan tỏa cao trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Bởi chỉ trong 3 năm, từ 5ha năm 2015 đã tăng lên trên 30ha năm 2018, chiếm 30% tổng diện tích canh tác của xã. Cánh đồng Nà Hỳ - vốn được ví như một “tiểu lòng chảo Mường Thanh” giờ đây luôn xanh mướt vụ chiêm, vàng tươi ngày mùa. Ngoài sản lượng, năng suất lúa được nâng lên, thì sự tiến bộ về nhận thức, thay đổi trong tập quán canh tác của nhân dân trên địa bàn là thành quả đáng ghi nhận nhất.

Ðối với các lĩnh vực còn lại, từ hỗ trợ của Nhà nước thông qua các Chương trình, dự án như: Chương trình 135, Nghị quyết 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ðề án 29 xã biên giới... cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong xã, đã góp phần quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang với nhiều công trình phục vụ dân sinh. Trong 5 năm, nhân dân các dân tộc trong xã đã hiến trên 33.400m2 đất xây dựng hạ tầng nông thôn, quy hoạch sân vận động, nghĩa trang; 10/10 bản hiến đất xây dựng Nhà văn hóa thôn, bản. Ngoài ra, nhân dân còn góp gần 3.000 ngày công tu sửa hệ thống giao thông nội đồng.

Trong lĩnh vực giao thông, ngoài tuyến đường chính trung tâm xã và tuyến nối với trung tâm hành chính huyện được tỉnh đầu tư, xã đã mở mới được 2 tuyến đường nội bản, trong đó, điển hình là tuyến Sam Lang. Cách đây vài năm, đã có một vài học sinh ở bản Sam Lang phải chui vào túi nilon để người lớn, giáo viên đưa qua suối đến trường khi mùa mưa đến. Nhưng giờ đây, “ốc đảo” Sam Lang đã có sự đổi thay. Ðầu tiên chính là cây cầu treo qua suối được Nhà nước đầu tư xây dựng, đã chấm dứt những thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa lũ đến. Sau dự án cầu treo, bản Sam Lang tiếp tục được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng tuyến đường rộng hơn 3m, mặt đường cấp phối và hệ thống 4 ngầm tràn qua suối. Góp phần rút ngắn khoảng cách giữa 2 bản Sam Lang, Lai Khoang với trung tâm xã.

Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trường lớp học liên tục được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh trong xã. Trong 5 năm, ngành giáo dục địa phương đã xây dựng 3/4 trường học đạt chuẩn quốc gia, 1 trường còn lại (Trường phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 2 Nà Hỳ) dự kiến sẽ hoàn thành chuẩn quốc gia trong năm 2019. Cùng với đó, hệ thống điện cũng được đầu tư nâng cấp khi năm 2013, toàn xã chỉ 5/10 bản có điện thì đến nay chỉ còn 1 bản Huổi Hoi chưa có điện lưới quốc gia. An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; nhất là tệ nạn ma túy vốn nhức nhối ở Nà Hỳ trước đây hiện đã được khống chế, tỷ lệ người nghiện ma túy giảm dần theo từng năm.

Hạ tầng được đầu tư đã tác động đến phát triển dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ðiều này thể hiện rõ nhất ở bản Nà Hỳ 3 (bản trung tâm xã) khi cách đây 4 - 5 năm, dân cư của bản chỉ khoảng 50 hộ thì đến nay đã tăng lên 300 hộ. Bà con đến đây chủ yếu mở cửa hàng kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ, từng bước hình thành vóc dáng của một đô thị huyện lỵ giữa trập trùng núi rừng.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top