Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP

09:45 - Thứ Hai, 27/08/2018 Lượt xem: 12173 In bài viết
ĐBP - Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đang là vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay khi các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm liên tục bị phát hiện. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh), 6 tháng đầu năm đơn vị đã kiểm tra, phát hiện 22 vụ, 22 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa hết hạn sử dụng và kinh doanh hàng nhập lậu với số tiền xử phạt gần 60 triệu đồng; tiêu hủy 18 chai dầu gội đầu Kafen, 50kg giò, 118kg chả cá, chả mực; 134kg nấm kim châm, 71kg xúc xích, 346kg thịt các loại không rõ nguồn gốc, 2.000 que kem Trung Quốc...

 

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ðiển hình, hồi 9 giờ ngày 5/4/2018, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực tổ dân phố 9, phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ), lực lượng liên ngành gồm: Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) và Ðội Quản lý thị trường số 1 (TP. Ðiện Biên Phủ) phát hiện Vũ Trọng Giang (sinh năm 1989), hộ khẩu thường trú tổ dân phố 5, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) có hành vi kinh doanh thực phẩm trôi nổi trên thị trường, tang vật thu giữ 20kg xúc xích. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của loại hàng hóa này. Tổ công tác đã lập biên bản vụ việc, ra quyết định xử phạt 1 triệu đồng về hành vi kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay gần đây nhất vào hồi 5 giờ 30 phút ngày 7/6, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Ðội Quản lý thị trường số 1, phát hiện Phạm Kiều Trang (sinh năm 1987), hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố 9, phường Him Lam, có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 800 que kem Trung Quốc, tại thời điểm kiểm tra Phạm Kiều Trang không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số kem này. Tổ công tác đã lập biên bản vụ việc, ra quyết định xử phạt chủ lô hàng 1,6 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và buộc chủ hàng tự tiêu hủy lô hàng dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng. Ðây chỉ là 2 trong số những vụ việc vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây hậu quả lâu dài, nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, tình hình vi phạm vệ sinh ATTP vẫn còn diễn ra hết sức phức tạp, Tình trạng sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến, bảo quản thực phẩm diễn ra khá phổ biến. Các đối tượng thường chia nhỏ thực phẩm đựng trong thùng xốp, vận chuyển bằng xe khách từ tỉnh khác lên địa bàn tỉnh nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Trước thực trạng trên, để bảo vệ sức khỏe người dân cũng như đảm bảo an ninh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Phòng Cảnh sát Môi trường đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng trong đấu tranh chống vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc nâng cao trách nhiệm của các ngành trong công tác thẩm định, cấp phép, quản lý sau cấp phép đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tăng cường kiểm soát dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm cũng như kiểm dịch chặt chẽ đối với tất cả các loại thực phẩm sau giết mổ. Song song với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác kiểm soát các chất phụ gia, chất bảo quản, nguyên liệu dùng để sản xuất, chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng liên quan đến các hành vi tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ðấu tranh phòng, chống vi phạm vệ sinh ATTP là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng xã hội. Bên cạnh công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như xử lý các hành vi vi phạm nhằm nâng cao nhận thức đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Qua đó, giúp người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, chủ động cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác kịp thời những vi phạm về ATTP.

Bài, ảnh: Lan Anh (Công an tỉnh)
Bình luận
Back To Top