Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện

09:55 - Thứ Sáu, 31/08/2018 Lượt xem: 10094 In bài viết
ĐBP - Công ty Ðiện lực Ðiện Biên quản lý, vận hành 2.321,5km đường dây trung thế và 2.364,8km đường dây hạ áp, 1 trạm biến áp trung gian 35/22kv - 6.300kv và 940 trạm biến áp phân phối với tổng công suất 130.360kv. Với hệ thống lưới điện trải dài, vấn đề bảo vệ hành lang an toàn lưới điện là nhiệm vụ được đơn vị đặc biệt quan tâm, chú trọng.

 

Cán bộ Ðiện lực TP. Ðiện Biên Phủ tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Ảnh: Lan Phương

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 300 vụ sự cố lưới điện, đường dây, gồm 234 vụ thoáng qua, 73 vụ vĩnh cửu, 7 vụ trạm biến áp. Sự cố đường dây chủ yếu do các nguyên nhân vi phạm hành lang an toàn (chiếm tỷ lệ 30%); do cây đổ vào đường dây, do mưa lốc hoặc người dân chặt cây. Do vậy, ngoài việc thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, chặt tỉa cây cao vi phạm khoảng cách an toàn đường dây, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nơi có đường dây cao áp đi qua tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ lưới điện cao áp. Ðặc biệt là huấn luyện định kỳ theo quy định và tự huấn luyện tại đơn vị được thực hiện theo tháng, quý nhằm nâng cao kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Từ đầu năm đến nay, Công ty tập trung tuyên truyền xây dựng văn hóa an toàn lưới điện, xây dựng đề cương kế hoạch triển khai toàn diện công tác an toàn vệ sinh lao động, bước đầu đã thu được những kết quả tốt. Lần đầu tiên 8/8 điện lực trực thuộc Công ty tổ chức tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp và an toàn điện trong nhân dân theo hình thức tập trung. Tuy nhiên, việc xử lý những sự cố lưới điện, đường dây không đơn giản, bởi muốn chặt tỉa những cây vi phạm hành lang lưới điện, đơn vị buộc phải cắt điện để xử lý. Không những vậy, việc các hộ dân xây dựng công trình nhà ở hoặc trồng cây trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện cũng là một vấn đề nan giải do chi phí để khắc phục sự cố là rất tốn kém. Mới đây nhất (ngày 22/8), xảy ra vụ việc gia đình ông Phạm Văn Xuân (tổ dân phố 7, phường Mường Thanh) thuê máy móc múc đất phía taluy dương, dưới chân cột điện A5 và cột A6 thuộc đường dây 35kV và lộ 371 E21.1 làm móng néo (hãm cột) của cột A5 bị bật, không còn tác dụng néo cột, nguy cơ ảnh hưởng đến 7 trạm biến áp và 436 khách hàng sử dụng điện. Ðiện lực TP. Ðiện Biên Phủ đã kịp thời phát hiện, xử lý.

Ðể giảm số vụ vi phạm và hạn chế thấp nhất tai nạn về điện, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền vừa thực hiện các biện pháp xử lý đi kèm. Trong đó, đối với các hộ dân xây dựng nhà ở, trồng cây lâu năm vi phạm an toàn hành lang lưới điện, khi đơn vị kiểm tra, phát hiện sẽ phối hợp với các cơ quan liên ngành, chính quyền địa phương nhắc nhở, xử lý nghiêm túc. Ðặc biệt, khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp đất cho các cá nhân, tổ chức, Công ty cũng phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát kỹ thực địa, tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện, có các phương án hợp lý giải phóng mặt bằng đối với công trình điện. Cụ thể, khoảng cách ngang từ bất kỳ điểm nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất phải từ 2m trở lên đối với đường dây 22 - 35kv. Về khoảng cách đứng, từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất phải từ 3m trở lên đối với đường dây 22 - 35kv. Ðồng thời, Công ty tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và an toàn điện trong nhân dân...

Ðảm bảo an toàn lưới điện là trách nhiệm không của riêng tổ chức, cá nhân nào. Bên cạnh việc áp dụng các chế tài xử phạt, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên thường xuyên tuyên truyền khách hàng sử dụng điện, người dân trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top