Việc tăng giá vé xe ô tô khách tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh

Cần sự chia sẻ của người dân

08:50 - Thứ Năm, 06/09/2018 Lượt xem: 11897 In bài viết

ĐBP - Trước việc các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh tăng giá cước kể từ ngày 1/8, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự băn khoăn vì sợ các đơn vị vận tải tự ý thu cước cao hơn bình thường; đồng thời lo lắng giá cước tăng sẽ kéo theo nỗi lo giá cả hàng hoá được đà tăng theo và áp lực này lại đè nặng lên vai người dân.

 

Ông Hà Xuân Mai, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Ô tô Ðiện Biên kiểm tra bảng niêm yết giá cước mới trên phương tiện.

Thường xuyên đi xe ô tô khách về Hà Nội để thăm người thân nên khi nghe các phương tiện thông tin đại chúng thông báo việc tăng giá vé xe ô tô khách tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh; trong đó tuyến Ðiện Biên - Hà Nội tăng 50 nghìn đồng so với giá cũ, bà Lê Thị Hương, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ cảm thấy hoài nghi và có nhiều thắc mắc. Bà Hương chia sẻ: “Trước đây, tôi đi xe khách giường nằm tuyến Ðiện Biên - Bến xe Mỹ Ðình chỉ có 290 nghìn đồng/người, nhưng kể từ ngày 1/8/2018 giá cước đã tăng thêm 50 nghìn đồng, thành 340 nghìn đồng/người. Ðiều đó khiến tôi không khỏi băn khoăn về việc tăng giá của các đơn vị vận tải, có lẽ nào các doanh nghiệp tự ý tăng giá cước vì lợi nhuận!?.

Cũng giống như bà Hương, mới đây anh Ðào Ngọc Trường, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) đưa người thân ra đón xe tại Bến Xe khách tỉnh và nhận thấy tại đây có bảng niêm yết mới về giá vé xe ô tô khách tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh. Anh Trường thắc mắc về giá cước mới; đồng thời bày tỏ sự lo lắng vì thời gian tới nhiều mặt hàng chắc chắn sẽ đồng loạt tăng giá như kiểu “té nước theo mưa”. Bởi một khi các đơn vị vận tải tăng giá cước thì phí vận chuyển hàng hóa cũng cao hơn, và đương nhiên các tiểu thương, doanh nghiệp sẽ đưa ra lý do là chi phí vận chuyển hàng hóa tăng để tăng giá sản phẩm; như vậy chỉ người dân là phải chịu thiệt thòi.

Ðem những thắc mắc, băn khoăn của người dân trao đổi với ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Ðiện Biên, ông Mạnh cho biết: Việc tăng giá vé xe ô tô khách tuyến cố định liên tỉnh và nội tỉnh là do chi phí về nhiên liệu (dầu diezen, xăng) tăng, khiến các đơn vị vận tải điều chỉnh giá cước. Từ ngày 10/11/2016 (lần điều chỉnh giá cước gần đây nhất) đến ngày 23/5/2018, giá xăng, dầu đã có 34 lần thay đổi. Nếu theo nguyên tắc, chi phí đầu vào thay đổi thì chi phí giá thành thay đổi. Tuy nhiên, đối với ngành Vận tải khó điều chỉnh hơn vì phải qua nhiều thủ tục hành chính, các bước tiến hành thay đổi giá cước khá phức tạp nên không thể theo sự thay đổi của giá nhiên liệu đầu vào. Giá chi phí đầu vào không biến động vượt quá 10%, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Ðiện Biên thường xuyên vận động các doanh nghiệp, đơn vị vận tải giữ nguyên giá cước. Tuy nhiên, từ ngày 23/5/2018, giá nhiên liệu tăng khiến chi phí đầu vào của ngành Vận tải gián tiếp tăng trên 15% thì người tiêu dùng phải chia sẻ với các đơn vị vận tải, vì bắt buộc phải điều chỉnh giá cước thì mới tồn tại được.

Ðể điều chỉnh giá cước, các đơn vị vận tải phải tính toán lại phương án giá, kê khai; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thông báo tăng giá cước để Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải kiểm tra trước. Sau khi các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đầy đủ thông tin thì mới cho các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thu theo mức giá cước mới. Kể từ ngày 1/8/2018, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Ðiện Biên đã giao cho Ban Quản lý Bến xe tỉnh thông báo, niêm yết giá cước mới tại bến xe; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp vận tải hành khách thực hiện hồ sơ theo giá cước mới; đã tiến hành thay đổi niêm yết giá trên phương tiện của đơn vị.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Xuân Mai, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Ðiện Biên, cho biết: Tác động từ giá xăng, dầu đã khiến chi phí đầu vào của ngành Vận tải gián tiếp tăng lên; vì vậy các đơn vị vận tải cũng phải điều chỉnh giá cước để tránh thua lỗ. Hiện nay, công ty có 50 phương tiện; trong đó có 17 xe giường nằm và còn lại là xe khách ghế ngồi. Ðến thời điểm này, đơn vị đã tiến hành thay đổi giá cước để phù hợp với mặt bằng giá tương đồng giữa các đơn vị vận tải. Cụ thể: tuyến Ðiện Biên - Bến xe Mỹ Ðình tăng 50 nghìn đồng lên thành 340 nghìn đồng/người; Ðiện Biên - Bến xe Yên Nghĩa tăng 30 nghìn đồng lên thành 320 nghìn đồng/người; TP. Ðiện Biên Phủ - huyện Tủa Chùa tăng 12 nghìn đồng lên thành 87 nghìn đồng/người; TP. Ðiện Biên Phủ - TX. Mường Lay tăng 10 nghìn đồng lên thành 70 nghìn đồng...

Ðược biết từ ngày 1/8, đối với tuyến liên vận Quốc tế Việt Nam - Lào, giá cước vẫn giữ nguyên. Ðối với các tuyến liên tỉnh có cự ly trên 300km có giá cước mới thực hiện từ 667 - 810 đồng/người/km (tăng 16% so với giá vé cũ). Ðối với xe chuyên cơ các tuyến Ðiện Biên - Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An (chất lượng cao 20 giường, 2 ghế) giá cước mới được thực hiện từ 928 - 1.140 đồng/người/km. Tuyến nội tỉnh và liên tỉnh liền kề có cự ly dưới 300km, giá cước mới được thực hiện từ 639 - 889 đồng/người/km (tăng 16% so với giá vé cũ).

Thực tế cũng đã chứng minh, trước đây mỗi khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng thì giá cước vận tải, hàng hoá cũng được đà tăng theo, khiến người dân lo lắng. Việc băn khoăn, lo lắng của bà con cũng là điều dễ hiểu, bởi họ sợ rằng nhiều đơn vị, doanh nghiệp vận tải, sản xuất, kinh doanh lợi dụng việc giá xăng, dầu tăng để đẩy giá cước, hàng hoá tăng cao hơn thực tế chi phí. Tuy nhiên, trong lần điều chỉnh tăng giá cước xe khách liên tỉnh và nội tỉnh lần này, các đơn vị vận tải đã xây dựng hồ sơ rất chặt chẽ, rõ ràng, có sự kiểm tra của các sở, ngành liên quan nên không có chuyện doanh nghiệp tự ý tăng giá vé xe khách. Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay, giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, nếu như giá cước vận tải không điều chỉnh thì doanh nghiệp vận tải khó có thể tồn tại. Vì vậy, các đơn vị vận tải rất mong nhận được sự sẻ chia của người dân nói chung và hành khách nói riêng.

Quang Hưng
Bình luận
Back To Top