Đại đoàn kết dân tộc

Khi ngôn ngữ không còn là rào cản

09:52 - Thứ Năm, 04/10/2018 Lượt xem: 11230 In bài viết

ĐBP - Trước đây ở bản Kéo Nánh, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng), 3 dân tộc: Thái, Mông, Khơ Mú, nhà ai biết việc nhà đó, dân tộc nào cũng chỉ biết dân tộc đó; thậm chí có thời gian xảy ra bất hòa, mâu thuẫn giữa các dân tộc. Nhưng dưới sự tận tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng vào cuộc, những mâu thuẫn đó không những được giải quyết triệt để, người dân coi nhau như anh em một nhà; lấy tiếng Thái là ngôn ngữ chung, từng ngày cùng chung sức xây dựng bản mường no ấm…

 

Phụ nữ người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú trò chuyện sau một ngày lao động.

Chúng tôi đến bản Kéo Nánh, xã Búng Lao khi mặt trời chỉ còn cách ngọn núi phía Tây chừng một con sào, xa xa bên đồi cao vọng lại những âm thanh lốc cốc, leng keng của tiếng mõ trâu mỗi lúc một gần. Giữa bản, nơi một ụ đất cao là những người phụ nữ dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú đang chuyện trò rôm rả. Kế bên là những người đàn ông hối hả san nền, lấp đất tạo khuôn viên cho lớp học mầm non của bản - nơi con em họ học tập, vui chơi mỗi ngày. Nhìn họ cùng làm việc, trò chuyện vui vẻ, ít ai có thể biết rằng từng có thời điểm giữa họ đã xảy ra mâu thuẫn tột cùng bởi sự độc tôn dân tộc, bất đồng ngôn ngữ. Mâu thuẫn đó kéo dài trong nhiều năm, nhiều thế hệ con cháu, có những lúc tưởng như những con người của 3 dân tộc đó không thể tiếp tục cùng sinh sống cùng bản được.

Dừng chân hỏi đường về nhà Trưởng bản, chúng tôi được mọi người tận tình chỉ lối. Trong ngôi nhà gỗ lợp fibro xi măng, Trưởng bản Giàng A Dính rót bát nước chè xanh mời khách đường xa, rồi kể cho chúng tôi về những năm tháng khó khăn nhất của bản và cả những mâu thuẫn giữa các dân tộc trong bản mình…

“Từ khi tôi sinh ra, bản Kéo Nánh đã có 3 dân tộc cùng sinh sống. Ðến nay, cả bản có 50 hộ và 258 nhân khẩu. Và đây cũng là địa bàn duy nhất của xã Búng Lao có tới 3 dân tộc cùng sinh sống trong một bản. Tình trạng mâu thuẫn dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa luôn là vấn đề nan giải đối với người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhưng đó là chuyện cách đây dăm năm về trước” - ông Dính bắt đầu câu chuyện.

Ông Giàng A Dính nhớ lại: Một lần do sơ ý nên con trâu của gia đình anh Dơ (người dân tộc Mông) ăn lúa của gia đình anh Tun (dân tộc Khơ Mú) cùng bản. Phát hiện sự việc, anh Dơ đến tận nhà anh Tun để xin lỗi và hứa khắc phục, nhưng gia đình anh Tun không chấp nhận, bởi anh Dơ là người dân tộc Mông. Anh Tun cho rằng, vì gia đình anh Dơ không thích dân tộc Khơ Mú nên cố tình để trâu ăn lúa của mình và bắt gia đình anh Dơ phải bồi thường 20kg thóc. Nếu không sẽ dắt trâu nhà mình đến ruộng gia đình anh Dơ để ăn lúa. Dù anh Dơ giải thích, thêm phần nữa trâu chỉ ăn lúa một khoảnh bằng cái chiếu cói mà anh Tun cứ đòi bồi thường tới 20kg thóc là không hợp lý. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát, mâu thuẫn nặng nề. Sự mâu thuẫn đó không riêng chỉ cá nhân hai gia đình mà kéo theo sự đố kỵ, mâu thuẫn ngầm của cả hai dân tộc, kể cả những việc nhỏ nhặt thường ngày.

Trầm ngâm trong giây lát, ông Dính kể tiếp: Lo nhất là mỗi lần trong bản có việc họp hành, bàn bạc thống nhất một việc gì đó. Người nào cũng cho rằng dân tộc mình quan trọng, phải được giữ vị trí này, vị trí kia trong bản nên rất khó tìm được sự đồng thuận. Cũng chính vì lý do đó mà thường dẫn đến xung đột, mâu thuẫn nặng nề. Một số người “nhẹ dạ, cả tin” đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động chống phá. Còn nhớ năm 2010, anh công an viên của bản là người dân tộc Khơ Mú không đảm bảo sức khỏe, bản phải tiến hành chọn một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có trách nhiệm cao với công việc thay thế vị trí cũ. Sự việc được chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong bản, xã nhất trí về mặt chủ trương, nhưng người được chọn là dân tộc Mông khiến người dân tộc Thái và Khơ Mú không đồng ý và tuyên bố: Nếu người Mông là công an viên của bản thì họ sẽ không đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HÐND các cấp.

Năm 2012, bản phải bầu lại Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ do người làm trước là một chị dân tộc Thái theo chồng chuyển đi nơi khác. 3 ứng cử viên đại diện cho 3 dân tộc trong bản được giới thiệu để bỏ phiếu, ai có số phiếu cao nhất người ấy sẽ làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản. Kết quả là chị Vàng Thị Pạ đạt phiếu đồng ý cao nhất. Tuy nhiên, cũng do chị Pạ là người Mông nên chị em người Khơ Mú và người Thái không đồng ý. Phía chị Vàng Thị Pạ cũng một mực từ chối chức vụ, vì cho rằng không được người Khơ Mú và người Thái tôn trọng.

Cứ như thế, “cuộc chiến” độc tôn dân tộc luôn hiện hữu trong đời sống thường ngày của người dân bản Kéo Nánh, sự bảo vệ, tự tôn một cách mù quáng dẫn đến những bất hòa dân tộc không đáng có. Không chỉ trong hoạt động đoàn thể mà cả trong cuộc sống thường nhật họ cũng khó tìm được tiếng nói chung bởi những bất đồng ngôn ngữ, văn hóa…

Trước thực trạng đó cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện và chính quyền cơ sở, như: Ban Dân vận phối hợp với Công an huyện, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh thành lập tổ công tác xuống địa bàn tổ chức họp dân, phân tích cặn kẽ để bà con hiểu; đồng thời tuyên truyền, giải thích để dân bản họ hiểu trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân trong bản là cùng đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng cuộc sống mới. Mưa dầm thấm lâu, sau nhiều đợt tuyên truyền, vận động, người dân đã từng bước hiểu nhau hơn và đoàn kết hơn.

Nói về sự ổn định, đoàn kết giữa các dân tộc của bản Kéo Nánh, ông Lường Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã Búng Lao, cho biết: Với 3 dân tộc cùng sinh sống trong cùng địa bàn, hợp lực tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Sự đoàn kết của họ được thể hiện rất rõ qua cuộc sống thường ngày bằng cách học tiếng của nhau để hiểu rõ hơn phong tục tập quán của mỗi dân tộc; đồng thời thống nhất sử dụng tiếng Thái là ngôn ngữ chung trong các cuộc họp của bản. Còn trong cuộc sống hàng ngày hoặc ở gia đình, dân tộc nào nói tiếng dân tộc đó.

Vừa tỉ mỉ hướng dẫn mấy cô gái Mông cách tằng cẩu (búi tóc), chị Lò Thị Ọi (dân tộc Thái), bản Kéo Nánh chia sẻ: Chị có thể nghe, nói được trên 90% tiếng Mông và tiếng Khơ Mú; ngoài ra chị còn biết thêu váy của người dân tộc Mông và hát những bài dân ca Khơ Mú. Còn chị Lò Thị Bánh (dân tộc Khơ Mú) tâm sự: Trước đây, do không có thiện chí lắm với người Mông nên không quan tâm những gì thuộc về họ, nhưng từ khi được cán bộ dân vận huyện, xã và cán bộ dân vận của bản đến tận nhà tuyên truyền, giải thích người cùng một bản cũng giống như người cùng một nhà, phải biết giúp đỡ, đoàn kết yêu thương nhau. Ðó là điều nên làm, cùng nhau bảo vệ giống nòi, đó mới là niềm tự hào dân tộc.

Nghe theo lời cán bộ mình, mỗi người dân trong bản Kéo Nánh đã hiểu tự tôn dân tộc là một điều cần thiết, là truyền thống và là điều đáng tự hào, nhưng không phải là việc “vỗ ngực xưng tên”, xem nhẹ dân tộc khác mà là phải cùng nhau vun đắp, dựng xây đại đoàn kết dân tộc, chung tay phát triển bản làng ấm no, hạnh phúc.

Và thực tế đã chứng minh, khi ngôn ngữ không còn là “rào cản” của sự đại đoàn kết dân tộc thì mọi khó khăn trong cuộc sống đều được giải quyết bằng sức mạnh đoàn kết. Ðể hôm nay, sau bao thăng trầm, những người dân tộc Mông, dân tộc Thái và Khơ Mú nơi đây đã được đoàn tụ, coi nhau như anh em một nhà, cùng hát vang bài ca “Kết đoàn”…

Tú Anh
Bình luận
Back To Top