BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Giải quyết tranh chấp đất đai giữa người dân 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La: Khi lòng dân đã thuận (bài 3)

15:28 - Thứ Ba, 30/10/2018 Lượt xem: 13092 In bài viết

Bài 3: Đám cưới mong đợi

ĐBP - Trước diễn biến sự việc ngày càng trở nên phức tạp, căng thẳng của người dân khu vực giáp ranh giữa 2 xã: Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) – Sam Kha (huyện Sốp Cộp) đòi hỏi cấp bách là sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa của cấp ủy, chính quyền các cấp giữa tỉnh Điện Biên và tỉnh Sơn La nhằm sớm đưa ra phương án ổn định tình hình, hàn gắn mối đoàn kết các dân tộc.

 

Đôi vợ chồng Sùng A Ná - Giàng Thị Mạy là niềm hy vọng cho một tương lai hòa bình, hợp tác của người dân 2 bản: Huổi My - Chua Ta A. 

Trao đổi với phóng viên, ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông cho biết: Thẩm quyền để điều chỉnh địa giới hành chính giữa các tỉnh thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn về phía địa phương, trong lúc chờ cấp có thẩm quyền giải quyết, nhiệm vụ hàng đầu được chúng tôi xác định là chủ động thông tin, phối hợp với huyện bạn, đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa bàn; tăng cường lực lượng xuống cơ sở nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tư tưởng, an tâm sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức công tác thực địa, đo đạc diện tích canh tác, mốc giới giữa các bên. Từ đó tham mưu tích cực cho cấp trên tiến hành hiệu chỉnh địa giới hành chính theo đúng quy định của pháp luật và nguyện vọng của nhân dân.

Sau vụ việc xô xát xảy ra ngày 9/5/2018 khiến 1 người dân bản Na Su, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông bị thương, cấp ủy, chính quyền các cấp 2 tỉnh Điện Biên – Sơn La đã khẩn trương vào cuộc với tinh thần quyết liệt hơn, nhất là lãnh đạo chủ chốt, cán bộ cơ sở 2 huyện: Điện Biên Đông và Sốp Cộp. Cán bộ các cấp, ngành chức năng đã về bản họp dân, lắng nghe nguyện vọng và tuyên truyền vận động nhân dân. Ngày 3/6/2018, dưới sự chủ trì của 2 đồng chí Chủ tịch UBND 2 tỉnh, Hội nghị hiệp thương đã được tổ chức. Căn cứ tình hình thực tế cũng như kết quả rà soát hiện trạng đất đai, nguyện vọng của người dân, 2 bên thống nhất phương án giải quyết: Hiệu chỉnh khoảng 109ha đất tự nhiên (82ha tỉnh Điện Biên cho mượn từ năm 1998 và 27ha người dân bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La mở rộng thêm, hiện đang canh tác) thuộc địa giới hành chính xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên về phía xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Giao UBND 2 xã, 2 huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo đúng nội dung đã thống nhất giữa 2 tỉnh. Đồng thời, thành lập đoàn công tác của 2 tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn xuống thực địa xác định, cắm mốc giới nhằm triển khai việc hiệu chỉnh. Việc huyện Điện Biên Đông hay cụ thể hơn là người dân các bản: Na Su, Chua Ta A, B đồng ý chuyển cho bản Huổi My 109ha đất tự nhiên theo địa giới hành chính 364 là phù hợp về cả yếu tố lịch sử và thực tế. Đồng thời, đây cũng là kết quả từ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng trong tuyên truyền, thuyết phục. Đồng bào đã hiểu rằng: Đồng đất, nương rẫy là quan trọng nhưng sự ổn định về an ninh trật tự địa bàn, tình đoàn kết các dân tộc, cùng hướng tới tương lai  còn quan trọng hơn. Vì vậy, căn cứ hiệu chỉnh này là quyết định hợp tình, hợp lý, vì lợi ích chung chứ không còn xét về yếu tố thiệt - hơn.

 

 Lãnh đạo tỉnh Điện Biên và lãnh đạo huyện Điện Biên Đông khảo sát thực địa khu vực nương không còn tranh chấp sau ngày 3/6/2018 của bản Chua Ta A, xã Tìa Dình.
Nói về cuộc hiệp thương mang tính quyết định này, bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng Nội vụ, huyện Sốp Cộp chia sẻ: Thú thực trong thời gian diễn ra hội nghị hiệp thương ngày 3/6/2018, chúng tôi cảm nhận được sự căng thẳng của từng thành viên đoàn công tác. Sự căng thẳng ở đây không phải là việc bên nào “đòi” được nhiều hay ít đất, mà là nỗi niềm lo lắng một lần nữa công tác hiệp thương không đi đến sự thống nhất dứt điểm. Bản thân tôi đã hàng chục lần xuống thực địa, rồi tham gia hiệp thương giữa các bên, thì mỗi lần là 1 vấn đề mới phát sinh, 1 kiến nghị của nhân dân chưa có lời giải thỏa đáng. Rất vui mừng là cuối cùng, vướng mắc xuyên thế kỷ đã tìm ra phương án giải quyết, nhận được sự đồng thuận của đồng bào. Đất đai canh tác tranh chấp kéo dài đã có hướng triển khai dứt điểm. Nhưng điều quan trọng hơn, để giải quyết vấn đề mang tính bền vững, lâu dài thì người dân cần được ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay cả 4 bản liên quan đến tranh chấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức rất cao (bản Huổi My có trên 90% hộ nghèo; các bản Na Su, Chua Ta A, B cũng có tỷ lệ nghèo từ 70 – trên 80%).

Kết quả hiệp thương lần này đã được nhân dân 2 bên đồng thuận. Hiện nay, cơ quan chuyên môn 2 huyện Điện Biên Đông và Sốp Cộp đang tổ chức đo đạc thực địa để sớm tổ chức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác cho bà con. Điều đáng mừng là giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế cho nhân dân khu vực tranh chấp đã được chính quyền 2 tỉnh tính đến. Cụ thể, về phía bản Huổi My, xã Sam Kha, UBND huyện Sốp Cộp đã lên kế hoạch phối hợp với Đoàn kinh tế quốc phòng 326 (Quân khu 2) hỗ trợ giống cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi gia súc cho dân bản. Còn phía Điện Biên, tại cuộc hiệp thương nói trên, đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ sản xuất, để người dân các điểm bản: Chua Ta A, B và Na Su sớm ổn định đời sống. Trước hết là nguồn kinh phí đền bù khai hoang sau khi hiệu chỉnh đất, sau đó là vận dụng các chính sách của tỉnh, huyện (đơn cử như Nghị quyết số 07 của Huyện ủy Điện Biên Đông về phát triển chăn nuôi gia súc) tập trung thúc đẩy kinh tế địa bàn này phát triển.

Gặp lại Trung tá Nhâm Văn Biên, Tổ trưởng tổ công tác của Công an tỉnh tăng cường địa bàn xã Tìa Dình trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, anh thở phào nhẹ nhõm: Cuối cùng thì mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa, tổ công tác của chúng tôi đã được lệnh rút khỏi địa bàn, trở về đơn vị sau hơn 8 tháng “3 cùng” với nhân dân. Qua thực tế đợt công tác, dù không phải là đội ngũ làm chuyên môn về đất đai, trực tiếp tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp nhưng được nghe tâm tư, nguyện vọng, cũng như chứng kiến đủ cung bậc cảm xúc của bà con, tôi nhận ra rằng, dù có lúc vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí xô xát căng thẳng với nhau nhưng bản chất đồng bào vùng cao ta tốt và cầu thị lắm. Điều quan trọng nhất là công tác tuyên truyền vận động, sự vào cuộc quyết tâm của các cấp, ngành nhằm giải quyết vấn đề bà con đang vướng mắc. Chúng ta phải thực sự gần dân, lắng nghe tâm tư của bà con thì mới hiểu và tìm được giải pháp phù hợp. Đó là căn cứ để nhân dân các dân tộc vùng cao thêm tin yêu Đảng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đơn cử như tại chính 2 xã Tìa Dình và Sam Kha, với nhiều mặt địa giới giáp ranh, nhiều năm qua tồn tại 2 thái cực trái ngược: Trong khi 4 bản đầu này xảy ra tranh chấp căng thẳng thì ở đầu kia, 2 bản Háng Sua (xã Tìa Dình) và Sam Kha (xã Sam Kha), từ nguyện vọng của người dân và sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền (huyện Điện Biên Đông vận động xã hội hóa được 500 triệu đồng để hỗ trợ dân Háng Sua làm đường), bà con đã hăng hái cùng nhau góp đất, góp công, mở tuyến đường vắt ngang núi để kết nối, thông thương với tỉnh bạn. Vì vậy, dù ở đâu thì việc đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng đến lợi ích lâu dài luôn là đích đến của mọi vấn đề.

Trở lại xã Sam Kha một ngày thu se lạnh, chúng tôi gặp Trưởng bản Huổi My, Vàng A Bống. Anh Bống hồ hởi khoe với chúng tôi một câu chuyện đầy bất ngờ: “Hơn 20 năm qua, dù cùng là dân tộc Mông, sinh sống giáp ranh nhưng dân bản Huổi My và bản Chua Ta A, B không có trường hợp nào cưới nhau, thậm chí còn thù hằn nhau lâu dài. Thế mà chỉ hơn 1 tháng sau khi hội nghị hiệp thương của 2 tỉnh thành công, Giàng Thị Mạy, con gái của bản Huổi My đã về làm vợ của Sùng A Ná, làm dâu của bản Chua Ta A. Đúng là một đám cưới được mong đợi từ rất lâu rồi nhà báo nhỉ!”

Để tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý địa giới hành chính, bảo vệ rừng và tạo điều kiện để nhân dân 2 bên yên tâm ổn định cuộc sống, Đảng ủy, chính quyền xã Tìa Dình và Sam Kha đã thống nhất Quy chế phối hợp và tổ chức giao ban với nhau. Từ đó trao đổi kinh nghiệm và rút ra những bài học trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân khu vực giáp ranh giữ nguyên hiện trạng, tôn trọng địa giới hành chính và kết quả hiệp thương giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La.

Phạm Dương – Văn Tâm
Bình luận
Back To Top