Nghị định 115/2018/NÐ-CP

Nâng cao hiệu quả quản lý về ATTP

08:40 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 12295 In bài viết

ĐBP - Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) thay thế cho Nghị định 178/2019/NÐ-CP. Ðây được xem là quy định cần thiết để siết chặt hơn và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm chịu điều chỉnh của Nghị định.

 

Người dân mua đồ ăn chế biến sẵn bày bán trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ).

Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh, cho biết: Nghị định 115/2018/NÐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP chặt chẽ hơn so với Nghị định số 178/2013/NÐ-CP từng ban hành trước đây. Những hành vi vi phạm được quy định rất cụ thể, mức xử phạt nặng hơn nhiều lần: Quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không còn hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi vi phạm, mức phạt tiền tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ðồng thời, quy định nhiều hành vi vi phạm bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung, như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc thu hồi, tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn... Ngoài ra, chế tài xứ lý cao hơn rất nhiều so với trước đây. Ví dụ có những vi phạm trước đây chỉ xử lý với mức cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng thì trong Nghị định mới mức xử lý lên tới 5 - 7 triệu đồng với cùng hành vi vi phạm đó. Ðáng chú ý là mức trần xử phạt không vượt quá 100 triệu đồng đã được bãi bỏ. Khung phạt tiền với hành vi sử dụng hóa chất cấm cũng được tăng lên ở mức 80 - 100 triệu đồng. Cơ sở vi phạm cũng bị buộc thu hồi việc công bố sản phẩm, phải tự tiêu hủy thực phẩm cũng như chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm và phải nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn. Về phương pháp quản lý, lực lượng liên ngành chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất và việc mất ATVSTP ở nhiều cơ sở hiện nay... Những thay đổi cơ bản đó được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn nạn mất ATVSTP vừa qua.

Trong quy định xử phạt của Nghị định 115/2018 có nhiều nội dung liên quan đến việc kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, các chủ cửa hàng sẽ bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng với các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn. Có thể thấy nội dung này trong Nghị định mới đã được siết chặt hơn nhằm đảm bảo ATVSTP đối với thức ăn đường phố - loại thức ăn khá phổ biến và thông dụng với người tiêu dùng. Quy định này ra đời cũng nhận được nhiều ý kiến của người trong cuộc, đặc biệt là chủ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị H., quán bánh mỳ Doner Kebab trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), cho biết: Thời gian qua, tôi tự giác chấp hành việc dùng các dụng cụ theo quy định để bày bán thức ăn, như tủ kính, kệ, khăn sạch... Tôi cũng chấp hành việc sử dụng găng tay nilon khi chế biến đồ ăn chín bởi chưa cần đến lực lượng chức năng vào cuộc, khách hàng là những người đầu tiên giám sát hoạt động của quán. Khách hàng bây giờ cũng rất “khó tính”, chỉ cần thấy không sạch sẽ thì không bao giờ quay lại nữa nên việc đảm bảo VSATTP là hết sức quan trọng. Ngoài ra, tôi đồng tình với việc xử phạt để tăng tính răn đe nhưng cũng cần có hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở giúp người dân nắm được các quy định của pháp luật, sau đó mới tiến hành xử phạt để người dân nghiêm túc chấp hành.

Nghị định 115/2018/NÐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/10 hy vọng sẽ mang lại “làn gió mới” trong công tác đảm bảo VSATTP, góp phần hạn chế thực phẩm “bẩn” lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn chân chính có cơ hội phát triển, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng các dịch vụ cung cấp thực phẩm tốt nhất mà không còn canh cánh nỗi lo về ATTP.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top