Ðể triển khai hiệu quả các dự án giảm nghèo

09:14 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 12492 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, Ðiện Biên vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao nhất nước (41,01%). Vì vậy, từ chỉ đạo của Chính phủ đến định hướng nhiệm vụ của tỉnh đều coi giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các chương trình, dự án liên quan đến chính sách giảm nghèo, vừa qua, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

 

Ðể triển khai hiệu quả các dự án giảm nghèo, cần rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các chính sách sao cho phù hợp.Trong ảnh: Người dân huyện Ðiện Biên Ðông khai hoang nương. Ảnh: Phạm Dương

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2018 được triển khai nhằm thống nhất chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp với yêu cầu, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Ðồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở các dự án, tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã, thôn (bản) đặc biệt khó khăn, tạo việc làm cho người nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, làm cơ sở cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với các huyện nghèo 30a, với tổng nguồn vốn được giao năm 2018 là 56,464 tỷ đồng, nhằm thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả một số nội dung: Hỗ trợ tiền nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ  4.218,3ha rừng cho hơn 589 cộng đồng, kinh phí thực hiện 7,8 tỷ đồng; hỗ trợ phục hóa cho 606 hộ, với diện tích 70,62ha, kinh phí 706,2 triệu đồng; hỗ trợ mua giống cây trồng cho 435 hộ trồng mới 30ha cà phê Catimor, 70ha cây ăn quả (cam, nhãn, xoài, chanh leo...), kinh phí trên 3,96 tỷ đồng; hỗ trợ 3.693 hộ mua giống vật nuôi, kinh phí trên 35,186 tỷ đồng. Mua 213.105 liều vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, kinh phí 3.754,9 triệu đồng; hỗ trợ công cụ sản xuất, máy móc chế biến và bảo quản nông sản cho 140 hộ nghèo, kinh phí thực hiện 1,64 tỷ đồng. Trong việc nhân rộng mô hình giảm nghèo, sẽ có 4 mô hình trồng trọt, 556 hộ tham gia, kinh phí 856 triệu đồng và 10 mô hình chăn nuôi với tổng số kinh phí dự kiến 2,056 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù tại xã nghèo (Chương trình 135), với tổng số vốn 26.793 triệu đồng, tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, tiếp cận thị trường và đầu ra của sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế cho người tham gia dự án. Trong đó tập trung hơn trong hỗ trợ máy móc chế biến và bảo quản sau thu hoạch cho 120 hộ nghèo nâng cao năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch với kinh phí dự kiến trên 1,2 tỷ đồng.

Ðối với chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Nghị quyết 30a và Chương trình 135. Với tổng số vốn 189 triệu đồng, kế hoạch dự kiến hỗ trợ giống cây lương thực cho 8 hộ nghèo (kinh phí 6 triệu đồng); hỗ trợ giống cây ăn quả cho 2 hộ nghèo (kinh phí 12 triệu đồng); hỗ trợ 5 con bò cho 5 hộ nghèo (kinh phí 58 triệu đồng) và nhân rộng 3 mô hình giảm nghèo, kinh phí dự kiến 113 triệu đồng.

Một trong những yếu tố cần thiết nhằm kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc, hạn chế, trong công tác giảm nghèo nói chung, các chương trình dự án giảm nghèo nói riêng, thời gian tới, ngành chức năng cần rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các chính sách giảm nghèo phù hợp theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, an sinh xã hội không phát huy hiệu quả; tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi đối tượng giảm nghèo để thuận lợi trong việc thực hiện chính sách; tiếp tục quan tâm, tăng cường các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để giúp họ thoát nghèo bền vững.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top