Nâng cao chất lượng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

10:08 - Thứ Tư, 28/11/2018 Lượt xem: 12041 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, tại tỉnh ta, dân số trong độ tuổi lao động ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn với 278.043 người, đạt tỷ lệ 82,4% tổng số lao động. Ðể góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là khu vực nông thôn, vấn đề giải quyết việc làm đang là yêu cầu cấp thiết.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Ðể giải quyết cơ bản vấn đề việc làm cho lao động ở tỉnh ta hiện nay, trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nông thôn và vấn đề việc làm cho lao động nông thôn hiện nay, từ đó có các giải pháp cơ bản, phù hợp với từng vùng cụ thể. Cùng với đó, cần thống nhất quan điểm: Giải quyết việc làm cho nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, không những liên quan đến kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa bàn vùng cao biên giới như Ðiện Biên.

Nhìn lại thời gian trước đây, việc đào tạo, giải quyết việc làm, nhất là lao động trong môi trường công nghiệp ở tỉnh ta luôn là vấn đề khó. Bởi với đặc thù vùng cao, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán lao động mang tính tự phát đã hằn sâu vào nếp nghĩ, cách làm, đến khi làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất dây chuyền với kỷ luật lao động nghiêm ngặt, nhiều người vùng cao không thích nghi được hoặc bị loại ngay từ khi tuyển dụng. Tuy nhiên, với các giải pháp hỗ trợ, đào tạo việc làm, lực lượng lao động được giải quyết việc làm đều tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Bà con vùng cao với sự dẻo dai về sức vóc, được bổ sung về nhận thức, thay đổi về quan điểm. Cụ thể, đến thời điểm này của năm 2018, số lao động tham gia hoạt động kinh tế ước đạt 326.161 người, chiếm 99,2% lực lượng lao động, tăng 0,9% so với năm 2017. Cơ cấu lao động tiếp tục dịch chuyển theo hướng tích cực, trong đó: số lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 12,68%, tăng gần 0,3%; lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 62,28%, giảm 1,32%; số lao động trong các ngành thương mại, dịch vụ chiếm 25,04%, tăng 1,09% so với năm 2017, đạt 103,9% kế hoạch giao.

Trong năm, trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, khu vực nông thôn nói riêng, ngoài việc duy trì việc làm thường xuyên cho trên 317.000 lao động, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.528 lao động, đạt 110,79% kế hoạch năm, tăng 5,23% so với năm trước. Trong đó, tuyển dụng vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh 1.109 người; tuyển dụng vào các doanh nghiệp trong tỉnh và tự tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác đạt gần 7.000 người, điển hình là tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho 1.064 người, vượt trên 50% kế hoạch năm và tăng 18,2% so với năm 2017. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, phải thẳng thắn nhìn nhận đây là lĩnh vực tỉnh ta còn yếu với số lượng, chất lượng còn hạn chế. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ xuất khẩu được 46 lao động, tuy nhiên, nhìn về cơ cấu, vẫn có sự tích cực khi tại một số thị trường vốn có sự lựa chọn, sàng lọc khắt khe, yêu cầu cao nhưng tỉnh vẫn có lao động được tuyển dụng. Ðiển hình như 2 lao động xuất cảnh sang Nhật Bản; 24 lao động sang Hàn Quốc; 8 người làm việc tại các nước Trung Ðông.

Bằng việc thông qua, ban hành chính sách hỗ trợ vé xe cho lao động trong và ngoài tỉnh, cùng với đó là các doanh nghiệp cũng đã có chính sách đưa đón công nhân nên hiện nay vấn đề hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện để người lao động yên tâm làm việc lâu dài, tạo thu nhập ổn định ngày càng tốt hơn. Ðiển hình như lao động của tỉnh Ðiện Biên làm việc tại Công ty Than, khoáng sản Việt Nam, mức thu nhập hiện đã đạt trên 22 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, động viên mọi nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, dịch vụ, khai thác tiềm năng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo tạo ra nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi hợp lý về đất đai, vốn, thuế... nhằm động viên, khuyến khích các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, các khu kinh tế phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa bàn; có quy hoạch đồng bộ các yếu tố về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như: đường giao thông, nhà ở, nước sinh hoạt, chợ, trạm y tế, trường học... Từ đó, người lao động có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản, yên tâm gắn bó với công việc.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top