Quyết liệt truy thu nợ đọng bảo hiểm xã hội

10:44 - Thứ Hai, 03/12/2018 Lượt xem: 11399 In bài viết
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 11-2018, tổng số nợ BHXH bằng 3,2% so kế hoạch giao thu năm 2018; tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng... Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), xử lý nợ đọng để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động đang là áp lực của BHXH các địa phương, nhất là các thành phố lớn.

 

Sản xuất linh kiện cơ khí chính xác tại Nhà máy Fujikin, Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.

Quyết liệt truy thu nợ đọng

Báo cáo của BHXH thành phố Hà Nội cho biết đến hết quý III-2018, số tiền nợ BHXH của Hà Nội giảm được 423 tỷ đồng tương đương 19,9% so cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với toàn quốc, nợ BHXH ở Hà Nội vẫn cao hơn mức trung bình, ảnh hưởng đến chế độ BHXH, BHYT của hơn 300 nghìn lao động trên địa bàn. Trong đó, BHXH quận Hà Ðông là đơn vị có tỷ lệ nợ BHXH cao so với bình quân của thành phố, hiện còn tới 2.174 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với số tiền phải tính lãi gần 100 tỷ đồng, bằng 7,07% so với kế hoạch thu (giảm 5,4% so năm 2017). Trước tình hình đó, BHXH quận Hà Ðông kiến nghị thành phố có biện pháp thu hồi nợ BHXH đối với Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân, nợ số tiền 14,3 tỷ đồng, nhằm bảo đảm quyền lợi cho hơn 600 lao động của doanh nghiệp. Ðồng thời, đề nghị đưa danh sách những đơn vị có số nợ kéo dài, không có khả năng trả nợ, cơ quan thuế đang cưỡng chế hóa đơn vào danh sách riêng để có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng chủ doanh nghiệp không tham gia đóng đầy đủ BHXH cho người lao động; trốn đóng, nợ đọng BHXH diễn ra rất phổ biến. Tính đến thời điểm hiện tại, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp ở địa bàn TP Hồ Chí Minh lên tới khoảng 1.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,81%. Theo Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, tỷ lệ này so với các năm trước có giảm nhiều, nhưng con số 1.800 tỷ đồng là rất lớn, bởi mức nợ này tương đương với một tỉnh có mức thu trung bình tất cả các khoản bảo hiểm. Tính từ đầu năm đến nay, BHXH thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra hơn 4.000 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 93 đơn vị vi phạm quy định về bảo hiểm; qua đó các đơn vị nợ đọng kéo dài cũng đã chuyển khoảng 50% trong tổng số nợ; chủ sử dụng lao động tại các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra, đóng BHXH cho những trường hợp người lao động chưa được đóng lên đến hơn 3.100 người.

Có thể thấy, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH với số tiền lớn, cố tình chây ỳ và thời gian nợ kéo dài của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, BHXH nhiều địa phương đã chủ động công bố danh sách các doanh nghiệp nợ, chuyển hồ sơ doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT đề nghị cơ quan Công an điều tra xử lý.

Tăng cường đối thoại

Ðể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 3%, ngoài giải pháp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, BHXH thành phố Hà Nội đang tích cực đối thoại với người lao động và các doanh nghiệp về vấn đề BHXH.

Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Hòa cho biết, để đạt được mục tiêu này, BHXH thành phố đã yêu cầu cán bộ trực tiếp đôn đốc thu BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp nợ, không để phát sinh nợ mới; tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính. BHXH thành phố cũng chủ động gửi thông báo kế hoạch kiểm tra, thanh tra đến các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT để khắc phục nợ trước khi ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra. Ðồng thời, thực hiện phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT gửi các sở, ngành làm cơ sở phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Cùng với đó, để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, BHXH thành phố Hà Nội liên tục tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và người lao động. Tại cuộc đối thoại diễn ra đầu tháng 11-2018, BHXH thành phố và các đơn vị liên quan đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH.

Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và người lao động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT cho người lao động đối với chủ doanh nghiệp cũng đang là cách làm phổ biến của nhiều địa phương.

Ðề cập vấn đề này, Giám đốc BHXH thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, BHXH thành phố Hồ Chí Minh còn tích cực phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài chính, ngành thuế và các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp, khi doanh nghiệp tham gia đóng thuế, đăng ký thành lập, đồng thời cơ quan BHXH sẽ cấp mã số BHXH. Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc nhắc nợ các đơn vị hằng tháng; yêu cầu các đơn vị nợ BHXH tham gia đóng, nếu trong tháng mà không đóng thì liền tháng sau, cơ quan chức năng sẽ thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, phối hợp các cơ quan báo chí đăng tải danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm từ ba tháng trở lên. Giải pháp cuối cùng là chuyển hồ sơ qua cơ quan công an khi các đơn vị vẫn cố tình vi phạm để tiến hành các biện pháp tố tụng, nhằm bảo đảm quyền lợi, thu được tiền nợ BHXH cho người lao động.

 
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết quý III-2018, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành và kiểm tra tại 13.640 đơn vị (trong đó: Thanh tra chuyên ngành tại 4.959 đơn vị, thanh tra liên ngành tại 3.123 đơn vị, kiểm tra tại 5.558 đơn vị). Phát hiện có 27.678 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT với số tiền phải truy đóng là 79,82 tỷ đồng; 39.021 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 43,31 tỷ đồng. Ðã ban hành 631 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt phải thu là 22,23 tỷ đồng.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top