Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:19 - Thứ Hai, 24/12/2018 Lượt xem: 13644 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng và ngày càng phát huy hiệu quả. Dù là nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo, phần lớn các học viên đều phát huy được nghề tại địa phương hoặc được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Anh Tô Văn Thành, đội C1B, xã Thanh Lông, huyện Điện Biên giới thiệu thành quả của mình sau khóa học kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm.

Hưởng lợi và áp dụng có hiệu quả những kinh nghiệm học tập được từ lớp trồng và bảo quản nấm, anh Tô Văn Thành, đội C1B, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, chia sẻ: Trước đây anh đã thử trồng nấm nhiều lần nhưng không thành công. Sau khóa đào tạo dưới 3 tháng về kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, anh Thành hoàn toàn dễ dàng “cho ra lò” những mẻ nấm đảm bảo chất lượng. Vừa nâng niu những bịch nấm đã được 20 ngày tuổi, anh Thành bảo: “Đúng là không thầy đố mày làm nên, trồng nấm thật ra rất dễ, chỉ cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật là nấm phát triển tốt, lại không mất nhiều thời gian chăm sóc. Trong khi đó còn tận dụng được nguyên liệu rơm, rạ sau mỗi mùa vụ nên không mất nhiều vốn, cho thu nhập đều”.

Còn anh Lò Văn Lún, bản Pom Ké, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) thì cho rằng: Từ khi được tham gia lớp học về “Kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây cà phê” do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, anh mới biết áp dụng trồng cà phê  sao cho hiệu quả. Nhờ đó mà vườn cà phê gia đình anh phát triển rất tốt. Hiện gia đình anh Lún có gần 4ha cà phê, năm nào cũng cho thu hoạch, năng suất cao hơn khi chưa áp dụng kỹ thuật.

Là tỉnh có lợi thế về tài nguyên rừng, việc hướng dẫn người dân cách “cho và nhận” từ rừng là điều vô cùng quan trọng. Chị Giàng Thị Dua, bản Tà Dê, xã Tả Phìn (huyện tủa Chùa) vừa tham gia lớp bồi dưỡng trồng và khai thác rừng do Trung tâm Dạy nghề huyện Tủa Chùa tổ chức; chị Dua cho biết: Trước đây gia đình chị và người dân trong bản cứ hết củi hoặc có việc gì cần là lên rừng hạ những cây gỗ về  đun hoặc sử dụng vào những việc cần thiết. Tuy nhiên, từ khi tham gia lớp bồi dưỡng trồng và khai thác rừng, chị đã hiểu ra tầm quan trọng của rừng. “Nếu mình chỉ khai thác, hưởng lợi mà không trồng rừng thì cũng đến lúc rừng cạn kiệt. Qua lớp học này, tôi và bà con dân bản không còn lên rừng chặt cây tùy tiện nữa; trong mùa sau, tôi sẽ nhận thêm đất để mở rộng diện tích trồng rừng… ” – Chị Giàng Thị Dua tâm sự.

Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Điện Biên đã đào tạo nghề cho trên 35 nghìn người, trong đó hơn 24 nghìn người được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956. Theo đó, toàn tỉnh đã có 521 người  được đào tạo trình độ cao đẳng, 545 người được đào tạo trình độ trung cấp, và trình độ sơ cấp dưới 3 tháng là trên 34 nghìn người. Số người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp là trên 19 nghìn người, chiếm 77,8%; người lao động học nghề phi nông nghiệp là hơn 5 nghìn người, chiếm 22,2%. Trong đó, số lao động nông thôn là nữ chiếm 55%; số lao động là dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề chiếm 74,44%.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cái được lớn nhất là người dân đã thay đổi được nhận thức, hành vi trong sản xuất, chăn nuôi. Phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề; nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ khoa học  kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực; chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên, từng bước xóa đói giảm nghèo. 

Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục dạy nghề đã linh hoạt với nhiều phương thức đào tạo, như: Đào tạo tập trung, đào tạo lưu động tại các cụm xã, liên kết đào tạo, kèm cặp truyền nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, lấy thực hành làm trọng tâm. Đối với Trường Cao đẳng nghề, sinh viên được đưa xuống các công trình trọng điểm để học tập, thực hành; Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thì lấy các mô hình nông dân sản xuất giỏi để dạy, thực hành cho học viên… Nhờ đó, chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top