Nhức nhối tảo hôn ở Nậm Pồ

08:56 - Thứ Tư, 26/12/2018 Lượt xem: 13727 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến xã Si Pa Phìn khi mặt trời đang ngả dần về phía Tây. Bản Nậm Chim 1 nằm ngay trung tâm xã nhưng đời sống người dân nơi đây không khá giả hơn các bản khác trên địa bàn là mấy. Trong ngôi nhà tuềnh toàng, tranh tre vách nứa, em Sùng Thị Mò (trường hợp tảo hôn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn) tiếp chúng tôi trong sự ngỡ ngàng; sau một hồi giới thiệu, làm quen em cũng dần cởi mở hơn. Sùng Thị Mò lấy chồng cách đây 5 khi mới 14 tuổi và giờ đã làm mẹ của 2 đứa trẻ cùng một em bé sắp chào đời. Theo chia sẻ của Mò, khi lấy chồng do còn nhỏ nên không nhận thức được những hậu quả về sau. Bởi thế 5 năm qua, ngoài việc ngày ngày lên nương để mưu sinh thì Mò chỉ biết đến sinh đẻ. Còn chồng Mò vì hoàn cảnh khó khăn nên đi làm thuê quanh năm.

 

Kết hôn sớm nên mới ngoài 20 tuổi nhưng vợ chồng anh Giàng A Dình, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ đã có 3 người con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Long

Ở Si Pa Phìn, trường hợp như Sùng Thị Mò không phải là hiếm. Theo thống kê của UBND xã Si Pa Phìn, năm 2018, trong tổng số 50 cặp kết hôn có đến 19 trường hợp tảo hôn. Mặc dù con số này đã giảm nhưng vẫn còn cao so với các xã khác.

Ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tảo hôn luôn là câu chuyện cũ nhưng vẫn đang rất “nóng”. Hậu quả mà tảo hôn để lại ngoài đói nghèo, lạc hậu, thì ở cái tuổi trẻ con phải làm bố mẹ đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ: sinh con tật nguyền, mẹ thì ốm đau triền miên vì sinh con khi cơ thể chưa trưởng thành... Trường hợp của Vàng A Dình, bản Lai Khoang, xã Nà Hỳ là một điển hình. Lấy vợ cách đây 5 năm nhưng đến nay vợ chồng Dình cũng đã có 3 mặt con. Gia đình khó khăn phải đi làm thuê thế nhưng hễ Dình đi làm thì vợ phải ở nhà và ngược lại bởi con trai đầu lòng bị tật nguyền phải có người trông nom. Trong ánh mắt đượm buồn, Dình bảo: “Vợ chồng em cưới nhau từ năm 15 tuổi; sinh bé đầu tiên đến khi đầy tháng thì bị ốm. Gia đình nghèo quá nên không cho con đi viện mà chỉ chữa theo phong tục nên không khỏi, mà càng nặng hơn. Cũng từ đó, con em trở nên không bình thường như người khác”.

Thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Nậm Pồ, hiện nay tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện là 45,6% (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước), trong đó, một số xã có tỷ lệ tảo hôn cao, như: Si Pa Phìn, Nậm Tin, Na Cô Sa, Nậm Nhừ...

Trước thực tế trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, bàn bạc, xác định nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân chính được xác định là do phong tục tập quán của bà con. Công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi của người dân được triển khai đẩy mạnh, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.  Ông Mùa A Giàng, Phó Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, cho biết: Không chỉ tuyên truyền qua các cuộc họp, hội nghị, chúng tôi thường xuyên xuống tận bản, gặp gỡ các hộ dân để nói chuyện trực tiếp, giải thích cho người dân hiểu rõ về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình, hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... thế nhưng kết quả không mấy khả quan. “Ở Si Pa Phìn, phần lớn số người tảo hôn tập trung tại vùng dân tộc Mông; để thay đổi tư duy và nhận thức của họ quả thực là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực để giảm tình trạng trên” - ông Mùa A Giàng nhấn mạnh.

Việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân là một trong những giải pháp mà chính quyền địa phương nơi đây đang áp dụng cho đến thời điểm hiện tại. Song, bên cạnh công tác tuyên truyền, một giải pháp “dở khóc dở cười” mà hầu hết các xã đang áp dụng đó là không dự đám cưới các cặp tảo hôn. Theo ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ - xã có tỷ lệ tảo hôn 57,5%, đám cưới mà chưa đủ tuổi kết hôn nếu có mời lãnh đạo xã và cán bộ đoàn thể, chi bộ... của bản thì cũng cương quyết không tới dự. Ngoài ra, hiện nay, để giảm tình trạng tảo hôn, cùng với công tác tuyên truyền kết hợp với một số giải pháp khác thì xã bắt đầu thực hiện phân công cán bộ theo dõi, quy trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân tại địa bàn được phân công phụ trách.

Có thể nói, thực trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang là một trong những rào cản về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Về lâu dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống nhân dân; nếu cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ không quyết liệt, nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu thì sẽ khó hết cảnh những “ông bố, bà mẹ” tuổi vị thành niên.

Quang Long
Bình luận
Back To Top