Ðảm bảo an sinh xã hội để phát triển bền vững

14:36 - Thứ Sáu, 05/04/2019 Lượt xem: 10792 In bài viết

ĐBP - Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội được các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhờ đó đã huy động được nhiều nguồn lực chung tay hỗ trợ, giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, các hộ dân tộc ít người, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

 

Người nghèo xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) được tặng quà, chăn ấm từ Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh tại Ðiện Biên. Ảnh: Gia Kiên

Các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tích cực tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản của tỉnh về công tác đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong việc chăm lo, giải quyết kịp thời các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các gia đình đều được hưởng thành quả của sự phát triển, tỉnh ta đã tích cực huy động các nguồn lực để giúp các hộ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, toàn tỉnh đã huy động xấp xỉ 427 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với đẩy mạnh các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức, tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng... từ đó giúp hàng nghìn người nghèo vươn lên thoát nghèo. Ngoài duy trì việc làm thường xuyên cho gần 317.000 lao động, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 9.500 người; giúp trên 3.500 hộ thoát nghèo (giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 37,45%). Gia đình anh Mùa A Tùng, bản Ðề Pua, xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) là hộ nghèo. Năm 2018, thông qua “kênh” của Ðoàn Thanh niên được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội 50 triệu đồng. Vừa được vay vốn để đầu tư mua trâu sinh sản lại được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, làm chuồng nuôi nhốt đại gia súc nên số vật nuôi mua về không mắc bệnh, phát triển tốt. Anh Tùng cho biết, quẩn quanh với cây ngô, lúa nương nhưng đói nghèo vẫn đeo bám, khô hạn nên mùa màng thất bát cuộc sống càng khó khăn. May mắn được vay vốn của ngân hàng chính sách nên gia đình mua 2 con trâu sinh sản. Xác định có vươn lên thoát nghèo được hay không đều nhờ cả vào số “đầu cơ nghiệp” này, vì thế tôi sẽ chăm sóc cẩn thận để trâu sớm sinh sản.

Tại tỉnh ta, dân tộc Cống có 215 hộ với 1.045 nhân khẩu, sinh sống rải rác tại 5 bản: Lả Chà  (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ); Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), bản Huổi Moi, Si Văn và Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên). Thực hiện Ðề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2011 - 2020, đến nay nhiều công trình dân sinh thiết thực được thực hiện đã góp phần giải quyết khó khăn về giao thông, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Ðường giao thông tại các bản người Cống sinh sống được xây dựng mới và nâng cấp theo tiêu chí giao thông loại C mặt cấp phối và bê tông, đảm bảo giao thông đi được 4 mùa trong năm. Ða số các bản đều có lớp học kiên cố, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. 100% học sinh trong độ tuổi đến trường được đi học và thụ hưởng các chính sách về giáo dục. Người dân được chăm sóc sức khỏe, trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai được hỗ trợ về dinh dưỡng... Ðặc biệt nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước tỷ lệ hộ nghèo tại các bản dân tộc Cống sinh sống trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt (tỷ lệ hộ nghèo hiện còn gần 54%).

Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng thông qua việc xây dựng ‘Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ cải thiện đời sống người có công với cách mạng; hỗ trợ làm nhà, sửa nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng... Năm 2018, tỉnh đã chi trả trợ cấp hàng tháng đầy đủ, đúng thời hạn cho hơn 1.100 đối tượng là người có công với cách mạng; thực hiện các chính sách xã hội cho trên 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…). Với sự nỗ lực của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và sự hưởng ứng tích cực của người dân trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng hộ nghèo, dân tộc ít người, gia đình chính sách, người có công với cách mạng... trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội theo định hướng tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân; chú trọng giải quyết vấn đề lao động việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và người hưởng chế độ bảo trợ xã hội...


Gia Kiên
Bình luận
Back To Top