Xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ

18:56 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 13962 In bài viết

ĐBP - Hiện nay trên địa bàn tỉnh có số hội viên phụ nữ mù chữ và tái mù chữ còn cao, tập trung tại địa bàn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Ðiều đó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống, tương lai người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.

 

Một lớp học xóa mù chữ của hội viên phụ nữ bản Huổi Sâu, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ). Ảnh: C.T.V

“Trên đời có nhiều cái khổ, nhưng với mình thấy không biết chữ là khổ nhất. Trước đây mình không biết chữ nên có lần bị lạc đường vì không đọc được biển chỉ dẫn và lên nhầm xe khách; mỗi lần đi chợ bán hàng, mình phải rủ con đi theo để nó tính tiền, lên xã làm giấy tờ thì không hiểu gì… Bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, biết làm các phép toán cộng, trừ thông thường rồi!” - Ðó là tâm sự của chị Vàng Thị Dợ, ở bản Nậm Ngám B (xã Pu Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông) sau khi được tham gia mô hình phụ nữ “Tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng”. Ðây là mô hình điểm được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm xóa mù chữ cho hội viên. Qua rà soát, thống kê, năm 2017 huyện Ðiện Biên Ðông vẫn còn hơn 6.100 hội viên phụ nữ mù chữ. Tại xã Pu Nhi, toàn xã có trên 1.200 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên thì có gần 700 chị em mù chữ và tái mù chữ; đặc biệt, tại bản Nậm Ngám B, tỷ lệ phụ nữ mù chữ, không biết tiếng phổ thông chiếm trên 90%.

Triển khai mô hình “Phụ nữ tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng”, Hội Phụ nữ xã Pu Nhi phối hợp với các đoàn thể trong bản tích cực tuyên truyền, vận động người biết chữ dạy người chưa biết. Lớp học tập trung vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần bởi ban ngày chị em còn làm việc nhà, lên nương, giáo viên là cán bộ xã, trưởng bản, bí thư chi bộ… Tại lớp học, chị em được làm quen với bảng chữ cái, các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, học ghép từ, giao tiếp với nhau bằng tiếng phổ thông. Bên cạnh việc học tại lớp, chị em còn tranh thủ tự học ở nhà qua người thân trong gia đình. Kết quả sau 13 tháng học, trong số 50 hội viên phụ nữ tham gia, có 6 hội viên xếp loại tốt (biết đọc, biết viết, nói được tiếng phổ thông thành thạo), 24 hội viên biết đọc bảng chữ cái, biết viết tên của mình và người thân trong gia đình, giao tiếp các từ đơn giản bằng tiếng phổ thông. Sau khi lớp học kết thúc, Hội LHPN xã Pu Nhi tiếp tục duy trì việc học tập của chị em thông qua mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Huyện Nậm Pồ sau khi rà soát cũng có trên 3.400 phụ nữ mù chữ và tái mù chữ. Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã phối hợp với Hội LHPN và các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp xóa mù chữ cho chị em tại các bản. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã mở được 20 lớp với gần 400 học viên phụ nữ từ 15 - 45 tuổi. Hiện tại có 9 lớp đang hoạt động tại các xã: Pa Tần, Chà Tở, Phìn Hồ, Si Pa Phìn và Nà Bủng. Tham gia giảng dạy là giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn có lớp xóa mù chữ.

Tỷ lệ phụ nữ mù chữ trên địa bàn tỉnh cao bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết là do nhận thức về việc học tập còn hạn chế, nhất là phụ nữ vùng sâu vùng xa; một phần thì tự ti, an phận do không biết tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, đời sống còn khó khăn nên chị em không có điều kiện tham gia các lớp học xóa mù chữ. Một số cán bộ Hội cơ sở chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của công tác xóa mù chữ cũng như thiếu các kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động xóa mù chữ và chống tái mù.

Tháng 7/2018, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội thảo về “Giải pháp khắc phục tình trạng tái mù chữ trong hội viên, phụ nữ”, nhiều giải pháp xóa mù chữ cho hội viên được đưa ra. Trước hết, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo, Tỉnh đoàn về tăng cường các giải pháp huy động trẻ ra lớp, thực hiện xóa mù chữ giai đoạn 2017-2020. Hội LHPN các huyện phối hợp với ngành giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng dân cư về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; triển khai khảo sát, điều tra, lập danh sách số lượng hội viên phụ nữ mù chữ, xây dựng kế hoạch lựa chọn hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp. Ðồng thời tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các lớp học xóa mù chữ; xây dựng phong trào “gia đình hiếu học”, “dòng họ hiếu học”...

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top