Ngôi làng mang tên một đại đội

15:01 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 12123 In bài viết
ĐBP - Ba năm sau ngày giải phóng, năm 1958 những người lính từng chiến đấu tại chiến trường Ðiện Biên Phủ quay trở lại chiến trường xưa để tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với khẩu hiệu “Tây Bắc là quê hương, nông trường là gia đình; đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. C4 - một trong 23 đơn vị sản xuất của Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên ngày trước, nay trở thành một khu dân cư yên bình bên dòng Nậm Rốm.

 

Cựu chiến binh Bùi Quang Thung (thứ 2 từ trái sang) kể lại ký ức những ngày mới lên xây dựng nông trường C4.

Lấy nông trường làm gia đình

Cựu chiến binh Nguyễn Ðức Cường năm nay 85 tuổi, dù tai không còn nghe rõ, nhưng khi biết chúng tôi hỏi về những ngày tháng xây dựng ở nông trường Ðiện Biên ông vẫn hào hứng ngồi tiếp chuyện. Qua những lời kể chậm rãi, mạch lạc, những ký ức một thời đầy gian khó nhưng đầy khí thế quyết tâm lại ùa về. Ông Cường quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1953, ông lên Ðiện Biên tham gia đánh Pháp được phân về Trung đoàn 176, Ðại đoàn 316 (sau đổi tên thành Sư đoàn 316) trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn. Sau chiến thắng, ông trở về Nghệ An rồi lập gia đình. 3 năm sau ngày giải phóng, nghe theo tiếng gọi của Ðảng, ông Cường trở lại Ðiện Biên, thuộc biên chế C4, Nông trường Quốc doanh Ðiện Biên. Khi đó, người vợ trẻ chưa một lần xa nhà cũng quyết định khăn gói theo chồng lên Tây Bắc.

Ông Cường chia sẻ: “Hồi mới lên khó khăn, vất vả quá. Hai vợ chồng không đất đai, nhà cửa, cứ ngày hùng hục đi làm ở nông trường, tối về lại tá túc trong những lán tre nứa tập thể. Những lúc nằm giữa trời lạnh, bụng đói cồn cào, tôi nhớ nhà ghê gớm nhưng cứ nghĩ đến máu xương của đồng đội đã đổ xuống mảnh đất này để giành lại tự do, tôi lại động viên vợ coi nơi đây như quê hương thứ hai và nông trường là mái ấm gia đình.”

Cùng tham gia buổi trò chuyện, cựu chiến binh Bùi Quang Thung năm nay đã 93 tuổi, kể về câu chuyện đầy duyên nợ giữa ông và người bạn thân tên Ngô Ba Nhẽ. Sau khi lên Ðiện Biên, hai người cùng được phân về một đại đội thuộc Ðại đoàn 316. Họ nhanh chóng trở thành bạn thân, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng giãi bày tâm sự của những chàng lính xa nhà và vẫn luôn trêu đùa nhau sau này nếu “ông có con trai, tôi có con gái” nhất định sẽ làm thông gia. Sau giải phóng, ông Thung trở về quê hương Hải Phòng để xây dựng gia đình, còn ông Nhẽ cũng về quê lấy vợ ở Hải Dương. Năm 1958, họ cùng nhau quay lại Ðiện Biên xây dựng kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhà ở được dựng tạm bằng gỗ, tre, nứa trong rừng; bữa ăn chỉ có ngô, khoai, sắn nhưng hai người luôn động viên nhau phải nỗ lực để con, cháu mình sau này có cuộc sống no ấm hơn. Ðể rồi như duyên nợ, tình bạn thân từ trong mưa bom, đạn lửa năm nào đã đơm hoa bằng 1 đám cưới nối kết họ trở thành thông gia. C4 - đại đội năm xưa chiến đấu trên chiến trường Ðiện Biên Phủ, giờ đây trở thành nơi chôn rau cắt rốn, thành quê hương thực sự của con, cháu các ông.

Ðất cằn nở hoa

Hơn 60 năm gây dựng bằng mồ hôi, xương máu, C4 vốn là một đại đội sản xuất của nông trường trước kia giờ đã đổi tên thành thôn C4 - một trong những thôn tiêu biểu của xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) với 13 năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện. Thôn C4 hiện có 180 hộ, hơn 600 nhân khẩu, trong đó chỉ còn 2 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Thời điểm năm 2004, khi chưa triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng từ các nguồn vận động xã hội hóa, thôn đã xây dựng được nhà văn hóa, đây cũng là nhà văn hóa thôn đầu tiên của xã. Ðặc biệt, từ ngày cầu C4 được xây dựng và đưa vào sử dụng, diện mạo của thôn C4 lại được nâng tầm cao mới với con đường trải nhựa rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng, cửa hàng kinh doanh mọc lên san sát nhau.

Hơn 1/3 số hộ ở thôn C4 có người từng tham gia quân đội, cũng bởi vậy thôn C4 còn được biết đến với cái tên “Ngôi làng của những cựu chiến binh” hay “ngôi làng mang tên đại đội” bởi những cựu chiến binh hầu hết đều thuộc Ðại đội 4, Trung đoàn 176, Ðại đoàn 316. Hiện nay, cả thôn có 39 cựu chiến binh, trong đó, do tuổi cao sức yếu nên những người trực tiếp tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm nào giờ chỉ còn 10 cụ. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng các cụ luôn là những tấm gương sáng cho con, cháu noi theo. Thế hệ con cháu họ nay cũng đã trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội. Ðiển hình như gia đình cựu chiến binh Ngô Văn Tuấn, có bố là chiến sĩ Ðiện Biên; nối tiếp truyền thống, năm 1979 ông Tuấn cũng tham gia Cuộc tổng động viên chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sau đó đi học rồi về công tác tại Ban CHQS huyện Ðiện Biên, rồi Bộ CHQS tỉnh đến năm 1991 thì phục viên. Con trai cả cựu chiến binh Ngô Văn Tuấn hiện đang công tác tại Công an tỉnh, còn người con gái út là một giáo viên giỏi.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, các cựu chiến binh thôn C4 đã thành lập Câu lạc bộ Phòng, chống tội phạm với số thành viên hiện tại là 28 người. Thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tham gia hòa giải, cảm hóa những đối tượng lầm lỗi quay trở lại hòa nhập với cộng đồng. Trong đó có trường hợp của anh Nguyễn Ðình Khoa, người đã từng 2 lần bị án tù vì phạm tội về ma túy. Nhờ sự cảm hóa, động viên nhiệt tình của các thành viên trong Câu lạc bộ, giờ đây anh Khoa không những đã cai nghiện ma túy thành công mà còn xin được công việc ổn định tại một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Cuộc sống của gia đình anh cũng nhờ vậy mà khấm khá hơn. 

Dù trong thời chiến hay thời bình, những chiến sĩ Ðiện Biên như ông Thung, ông Nhẽ, ông Cường, hay những lớp cựu chiến binh sinh sau như ông Tuấn đã chứng minh phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ không chỉ đánh thắng giặc ngoại xâm, mà còn chiến thắng được giặc đói, giặc dốt để dựng xây C4 nói riêng, Ðiện Biên nói chung tươi đẹp như hôm nay.

Bài, ảnh: Ðức Huy
Bình luận
Back To Top