Một lần đến Vũng Chùa - đảo Yến

15:35 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 12312 In bài viết
ĐBP - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, từng dòng người hướng về Ðiện Biên ôn lại ký ức hào hùng của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Cách Ðiện Biên gần 1.000km cũng là những dòng người vào thăm viếng Ðại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ nơi Vũng Chùa - đảo Yến. Tôi may mắn là người con ở mảnh đất Ðiện Biên đến thăm Ðại tướng, cũng vào dịp tháng 5 lịch sử sau hành trình gần 1.000km.

Từ quốc lộ 1A, chúng tôi theo con đường lớn trải nhựa xuôi về xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, càng gần Vũng Chùa - đảo Yến, biển trong xanh, phẳng lặng hơn. Chỉ tay về khu mộ Ðại tướng, một người dân bản địa dẫn đường cho chúng tôi giới thiệu: Vũng Chùa - đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng Ðông Nam. Xưa kia trên đảo Yến có dấu tích nền móng một ngôi chùa lớn nên bà con gọi là Vũng Chùa. Còn tên gọi đảo Yến xuất hiện sau này, khi có một công ty khai thác, nuôi yến đến hoạt động bởi trên đảo có rất nhiều chim yến. Trước kia, người dân vẫn gọi đây là Hòn Nồm theo cách tính phương hướng.

 

Bà Nghiêm Thị Nghiên, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đến viếng mộ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa (Quảng Bình).

Ðảo Yến như viên ngọc xanh chưa mài giũa với triền cát trắng tinh, rặng phi lao xanh rì và những cánh chim yến chao liệng trên nền trời. Tìm hiểu thêm, chúng tôi mới biết, Vũng Chùa được bao bọc bởi 3 đảo: Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) nên nơi đây rất kín gió. Bởi thế mà vào những ngày mưa bão, tàu thuyền lại về đây trú ẩn. Ghé vào một quán nhỏ bên đường, chị bán hàng nhanh nhẹn đưa bó hương cho chúng tôi và nói: “Em đến viếng mộ Ðại tướng đúng không? Ở đó quy định không viếng hoa, mỗi người chỉ được thắp một nén hương thôi nhé!”. Ðúng như lời dặn dò của chị bán hàng, theo quy định, du khách đến viếng mộ Ðại tướng chỉ cầm theo nén hương. Sau khi cẩn thận ghi họ tên, địa chỉ của chúng tôi, anh Trần Hoài Nam - người làm công tác ghi chép danh sách khách đến thăm mộ Ðại tướng, chia sẻ: Trước đây, khu mộ Ðại tướng được Tiểu đội 1 thuộc Ðội cảnh vệ Ðồn Biên phòng 184, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thay phiên nhau canh gác 24/24 giờ. Ðầu năm 2019, Ðồn Biên phòng 184 đã bàn giao toàn bộ khu mộ cho gia đình Ðại tướng. Kể từ đó, anh Nam cùng 9 người khác phân công nhau tiếp đón, trông giữ xe miễn phí, ghi danh sách và hướng dẫn mọi người vào viếng mộ Ðại tướng… Hoàn tất các thủ tục, chúng tôi hòa vào dòng người với niềm tôn kính vô hạn. Con đường dẫn vào phần mộ có 103 bậc thang bằng gỗ, 103 cây hoa mai và đặc biệt là 103 cây hoa ban mang từ mảnh đất Ðiện Biên về trồng. Gần mộ Ðại tướng có tháp chuông với quả chuông đồng in bốn chữ lớn “Vũng Chùa Hồng Chung”.

Với vẻ đẹp nên thơ và bình yên, Vũng Chùa - đảo Yến được chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng của Ðại tướng. Hàng năm, có hàng triệu lượt người đến dâng hương viếng mộ. Ðặc biệt tháng 4, tháng 5 hàng năm ước tính có khoảng trên 1.000 đoàn khách đến Vũng Chùa - đảo Yến.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp về với quê hương Quảng Bình nắng gió, nồng ấm tình người. Trong đoàn khách thập phương hôm đó, tôi gặp bà Nghiêm Thị Nghiên, đến từ thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bà Nghiên rưng rưng xúc động: “Kể từ ngày Ðại tướng yên nghỉ tại đây, lần đầu tiên tôi mới có dịp đến viếng mộ Người. Ngày Ðại tướng mất ở Hà Nội, tôi đã chạy bộ hơn 5km theo linh cữu của Ðại tướng. Vừa chạy vừa khóc, chẳng thể nào tin rằng Ðại tướng đã đi xa...”.

Tạm biệt Vũng Chùa - đảo Yến với cái nắng như đổ lửa của miền Trung gió cát, chúng tôi trở về Ðiện Biên với một niềm tự hào và lòng thành kính lớn lao. Dẫu rằng thời gian cứ trôi đi, nhưng trong tâm trí của nhân dân Việt Nam nói chung, người dân Ðiện Biên nói riêng, công ơn của Ðại tướng mãi không phai mờ.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top