Thay đổi để hiệu quả hơn

08:46 - Thứ Tư, 29/05/2019 Lượt xem: 10864 In bài viết

ĐBP - Ðể nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, việc thay đổi cách thức hỗ trợ từ “cho không” sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng, có thời hạn thu hồi, luân chuyển trong cộng đồng là giải pháp phù hợp.

 

Việc thay đổi cách thức hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo.Trong ảnh: Từ giống ngô hỗ trợ, người dân xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) có thêm điều kiện phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2011 - 2015, cách thức hỗ trợ hợp phần phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là giao quyền cho cơ sở, căn cứ vào tình hình thực tế, từ đó tổng hợp, báo cáo lên cấp huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ hợp đồng các đơn vị cung ứng cây, con giống để giao về xã và cung cấp cho người dân. Thế nhưng, cách thức hỗ trợ này có những hạn chế như: Hỗ trợ chưa đúng nguyện vọng người dân, không phù hợp thực tế... gây lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu quả đầu tư, mất niềm tin của người dân. Thực tế đã từng xảy ra tình trạng trên. Ðơn cử như thực hiện chương trình 135/CP giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), toàn xã được hỗ trợ 29 con bò lai, thế nhưng do Tênh Phông thuộc tiểu vùng khí hậu lạnh, không hợp với giống bò lai dẫn đến 5 con bị chết, những con còn lại chưa sinh sản. Một ví dụ khác là nhóm hộ ông Lý A Gâu, ở bản Huổi Anh, xã Tênh Phông được hỗ trợ máy tuốt lúa, nhưng do máy quá to, cồng kềnh trong khi người dân chủ yếu sản xuất trên nương nên đến vụ thu hoạch người dân phải tháo gỡ từng bộ phận của máy để vận chuyển lên nương, rất mất công và thời gian. Hay một số địa bàn, người dân được cấp máy xay xát chạy điện trong khi chưa có điện lưới quốc gia…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều điểm mới nhằm phát huy tính chủ động của người nghèo, hỗ trợ có điều kiện, giảm “cho không”. Nhất là việc thay đổi cách thức hỗ trợ: Ðó là hỗ trợ bằng tiền, người nghèo tự tìm cây, con giống phù hợp; sau đó chính quyền, đoàn thể, cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác nhận; trường hợp người dân không tìm được cây, con giống thì chính quyền địa phương tìm giúp với sự đồng ý của người nhận hỗ trợ. Theo phương thức này, giá thành con giống sẽ thấp nhất, tương đương giá thị trường trên địa bàn, người dân được hưởng trọn vẹn số tiền được Nhà nước hỗ trợ.

Tương tự là việc thay đổi phân quyền làm chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Trước đây, các dự án đầu tư hạ tầng thuộc các chương trình xây dựng nông thôn mới, 30a, 135/CP… đều do huyện làm chủ đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh việc phân quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cũng như phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; trong đó quy định UBND xã được làm chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản. Thông qua việc phân quyền cho xã làm chủ đầu tư các dự án hạ tầng góp phần lựa chọn danh mục đầu tư phù hợp thực tế tại cơ sở, nâng cao năng lực điều hành và quản lý của cán bộ xã.

Mường Ảng là một trong những huyện thực hiện nghiêm túc việc trao quyền chủ đầu tư cho cấp xã đối với các dự án hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Thời gian đầu, chính quyền các xã còn gặp vướng mắc, lúng túng song đến nay cơ bản đã đáp ứng yêu cầu. Qua đó góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã đối với chất lượng các công trình, dự án. Các công trình áp dụng theo cơ chế đặc thù do cấp xã làm chủ đầu tư đã tiết kiệm từ 20 - 30% chi phí, bảo đảm chất lượng do giảm được chi phí gián tiếp, sử dụng vật liệu địa phương, giảm phí vận chuyển… Khi thi công dự án, các thôn, bản đều tổ chức họp dân để thống nhất phương thức, cách làm, cách đóng góp phù hợp điều kiện kinh tế, đặc điểm của từng thôn, bản đối với các công trình.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top