Hậu tái định cư ở Tủa Chùa

Người dân còn nhiều khó khăn

09:12 - Thứ Năm, 06/06/2019 Lượt xem: 10285 In bài viết
ĐBP - Thực hiện dự án di dân tái định cư (TÐC) Thủy điện Sơn La với quyết tâm “Vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, năm 2007 hàng trăm hộ dân bản Pắc Na, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) đã chuyển đến sinh sống tại các điểm TÐC: Huổi Lực 1 và Huổi Lực 2 (xã Mường Báng); Huổi Trẳng, Tà Si Láng, Tà Huổi Tráng (xã Tủa Thàng) để xây dựng cuộc sống mới. 12 năm đã trôi qua, nhưng cuộc sống của người dân tại một số điểm TÐC vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về giao thông, nước sinh hoạt và nước sản xuất...

Từ trung tâm xã Tủa Thàng đến thôn Huổi Trẳng, chỉ khoảng 15km nhưng chúng tôi phải đi mất gần một giờ đồng hồ. Ngồi trên xe máy nhưng lại có cảm giác giống như ngồi trên lưng ngựa. Những viên đá to như quả bí đỏ nửa chìm nửa nổi nằm khắp mặt đường bên cạnh những ổ trâu, ổ gà và các rãnh ngang, rãnh dọc do nước xói mòn sau những trận mưa. Người dân ở đây cho biết, con đường đá gồ ghề mà chúng tôi mới đi qua từ trước đến nay vẫn như vậy chỉ có là xuống cấp hơn, chưa một lần được đầu tư sửa chữa. Do vậy, việc đi lại, giao thương của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Huổi Trẳng là thôn TÐC thuộc diện “di vén” (nghĩa là di từ thấp lên cao - PV) nhưng không vì thế mà Huổi Trẳng bớt khó khăn so với các điểm TÐC khác. Nhập nhoạng tối, chúng tôi đến nhà ông Quàng Văn Tấn, Bí thư chi bộ thôn Huổi Trẳng. Trong ánh điện yếu ớt, chúng tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều giấy khen được treo và dán trên các bức vách gỗ. Thấy chúng tôi căng mắt đọc những dòng chữ in trên giấy khen, ông Tấn vội giải thích: Các anh thông cảm, điện ở đây yếu lắm nên có thể các anh chưa quen còn chúng tôi thì đã quen với thứ ánh sáng này. Có điện đã là tốt rồi, nhiều hôm còn không có điện hoặc mất thường xuyên, có những ngày mất điện cả chục lần, thiết bị điện tử hỏng liên tục...

Sau một vài câu chuyện, chúng tôi đặt vấn đề xin nghỉ lại qua đêm, ông Tấn vui vẻ đồng ý vì “chẳng mấy khi nhà có khách, chỉ sợ các anh không quen”. Mà đúng là không quen thật, khi chúng tôi ra phía sàn sau bếp để rửa mặt thì chẳng nhìn thấy gì, chỉ có một nguồn ánh sáng yếu ớt hắt ra từ trong bếp. Cả ngôi nhà chỉ có 2 cái bóng điện 5W vì nếu dùng nhiều hơn thì sẽ không xem được ti vi. Phải mất một lúc sau tôi mới dần thích ứng và lờ mờ thấy một người phụ nữ đang ngồi rửa rau ở góc sàn. Ðó là con dâu của ông Tấn, chị đứng dậy múc cho tôi một gáo nước trong chiếc thùng phi cũ cho vào chậu để tôi rửa mặt. Chị nói, chú rửa mặt đi, xong thì đổ nước vào đây chứ đừng đổ đi nhé! Vừa nhắc chị vừa chỉ tay vào một cái chậu to hơn bên cạnh và giải thích: Ở đây nước hiếm lắm, vì vậy nước rửa rau, rửa mặt xong phải dành để rửa chân tay và tưới rau...

Bên ấm nước chè, ông Tấn chậm rãi chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn mà người dân ở đây vẫn đang phải đối diện từ nhiều năm nay. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông Tấn tham gia công tác tại thôn bản từ năm 1984 với nhiều vị trí khác nhau như: công an viên, trưởng thôn, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Từ năm 2016 đến nay, ông làm bí thư chi bộ thôn Huổi Trẳng. Qua từng ấy năm công tác, gắn bó với công việc của thôn bản, ông nhận thấy cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Ðể có được nguồn nước sinh hoạt, mỗi gia đình ở đây phải tìm nhiều cách khác nhau để dẫn nước về nhà. Cụ thể, gia đình ông cùng 24 hộ khác góp tiền mua đường ống nhựa dài cả kilomet để dẫn nước từ gia đình anh Giàng A Cu (thôn Tủa Thàng) về rồi chia cho từng nhà. Mỗi gia đình sử dụng nước cũng phải góp thêm gần 200.000 đồng/năm để đóng tiền sử dụng điện cho gia đình anh Cu đổi lấy nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, các cháu nhỏ trong thôn đang theo học lớp mẫu giáo mỗi tuần gia đình cũng phải góp 20 lít nước để sử dụng trên lớp... Ðược biết, khi triển khai dự án di dân TÐC nhà nước đã đầu tư đường nước sinh hoạt cho thôn nhưng chỉ hơn 1 năm sau không sử dụng được nữa. Từ đó đến nay cũng không được sửa chữa.

Ðó là khó khăn về nước sinh hoạt, còn nước sản xuất cũng trong tình trạng tương tự. Hệ thống kênh mương đầu nguồn được đầu tư xây dựng từ dự án nhưng không hiệu quả. Người dân phải tự be bờ, đào rãnh để lấy nước nhưng vẫn không đủ tưới tiêu, nhiều diện tích khai hoang phải bỏ dở. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Ðảng ủy xã Tủa Thàng, ông Tiến cho biết: Ðường nước sinh hoạt đã được đầu tư nhưng bị hỏng sau hơn 1 năm do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng đến nay chưa được sửa chữa. Còn hệ thống kênh mương thủy lợi thì bị gãy 2 đoạn, mỗi đoạn khoảng 15m; một đoạn khác có tảng đá to lăn xuống lấp mất mương. Theo ông Tiến giải thích, do không có đường để đưa máy móc vào di chuyển tảng đá nên đến nay tảng đá vẫn nằm im đè lấp mương nước, làm cho công trình tê liệt từ đó đến nay.

Trước những khó khăn mà người dân ở Tủa Thàng nói chung và thôn Huổi Trẳng nói riêng đang phải đối diện từ nhiều năm nay thì các các cấp chính quyền huyện Tủa Chùa cần kiểm tra, rà soát lại quy trình, chất lượng các hạng mục đầu tư. Từ đó đưa ra giải pháp giúp người dân khắc phục khó khăn, an cư và phát triển kinh tế.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top