Chúng em làm chiến sĩ

09:39 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 13374 In bài viết
ĐBP - “Học kỳ quân đội” đang dần trở thành hoạt động quen thuộc với các học sinh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh mỗi dịp hè đến. Với những điều chỉnh ngày càng phù hợp của các đơn vị liên quan, các bậc phụ huynh đã có thể an tâm rằng: Con mình đã có những trải nghiệm bổ ích.

Lớp Học kỳ quân đội cho các em học sinh trung học cơ sở tỉnh Ðiện Biên năm 2019 trong 12 ngày tại Trường Quân sự tỉnh có 123 thanh, thiếu niên độ tuổi từ 12 - 16. Theo anh Ðặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn: Với chủ đề “Học kỳ trong quân đội và trải nghiệm làm chiến sĩ” chương trình Học kỳ quân đội năm nay được xây dựng với các nội dung: Giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam, truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng bảo vệ Tổ quốc...; huấn luyện quân sự về: Ðiều lệnh đội ngũ tay không, điều lệnh quản lý bộ đội, binh khí súng tiểu liên AK. Ðặc biệt, kỳ học tập trung vào các nội dung về kỹ năng sống, xử lý tình huống, công tác xã hội, làm việc nhóm, sinh hoạt tập thể, vệ sinh cá nhân... Tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; khám phá thiên nhiên; tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục pháp luật; giáo dục giới tính; phòng tránh tai nạn thương tích; kỹ năng sơ cứu; tăng gia sản xuất, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh... Chứ không đặt nặng vấn đề làm sao để trở thành một chiến sĩ trong quân đội với những điều lệnh, vũ khí, khí tài... khô khan.

 

Những “chiến sĩ nhỏ” tham gia học kỳ quân đội sinh hoạt nhóm tại Trường Quân sự tỉnh.

Dự một buổi sinh hoạt về đề tài giáo dục pháp luật của lớp học kỳ quân đội năm nay, theo quan sát của chúng tôi, với các học viên đang ở cái tuổi “ẩm ương” mới lớn, việc duy trì các em theo đúng tác phong quân đội trong vòng hơn 10 ngày thực sự là không đơn giản. Bởi dù đã có “lệnh” tập trung vào hội trường sinh hoạt nhưng một số chiến sĩ nhỏ tâm hồn vẫn “treo ngược cành cây” hoặc mải đùa với bạn, khiến giảng viên và anh, chị tình nguyện viên phụ trách phải kết hợp giữa điều lệnh với... nịnh. Một tình nguyện viên là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên chia sẻ: Những ngày mới vào chúng tôi cũng mệt với các bạn nhỏ đang có cái “tôi” rất lớn này lắm! Thôi thì đủ cả, từ việc bất tuân lệnh, hờn dỗi, đòi về... Ðặc biệt là do thay đổi môi trường sống, cách ly với thiết bị công nghệ cá nhân (quy định cấm tuyệt đối sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng) nên có em cảm thấy tù túng, bức bối. Nhưng hiệu quả của quy định này thì như các anh đã biết, sau khóa học sẽ có em “cai” được điện thoại, game, mạng xã hội... Thế giới mạng tưởng rộng vô tận nhưng lại rất hạn hẹp khi các em (và cả chúng ta - những người lớn) bị phụ thuộc. Và khi khép lại sự phụ thuộc đó, một thế giới với bao điều bổ ích, mới mẻ và thực tế sẽ mở ra cho các em khám phá, học hỏi. Quay lại với nội dung của buổi sinh hoạt tuyên truyền pháp luật, có nhiều điều khiến chúng tôi bất ngờ, thú vị. Ðó không phải các văn bản quy phạm pháp luật khô khan mà giảng viên mở đầu bằng một đề tài mở với nhân vật rất “hot” trên mạng thời gian qua: Ngô Bá Khá, tức Khá Bảnh - một “thần tượng” của không ít trẻ em (dù hiện Khá đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật nhưng không ít trẻ vẫn coi Khá như một “mô hình học tập” với vỏ bọc giang hồ hảo hán trượng nghĩa). Nghe thấy nhắc đến “cậu Bảnh”, lớp sinh hoạt đang nhốn nháo bỗng im ắng hẳn vì nhiều nguyên nhân... Trong quá trình sinh hoạt, giảng viên cũng không khẳng định Khá Bảnh là người tốt hay kẻ xấu mà được trao đổi, tranh luận theo cách mở giúp các em tự tư duy, nêu quan điểm của cá nhân một cách tự nhiên nhất. Và từ những định hướng khéo léo, một lúc sau, dưới hội trường đã có một vài “chàng trai nhỏ” thì thầm hỏi bạn ngồi cạnh: “Cậu có muốn làm Bảnh nữa không?” rồi nhận lại là cái lắc đầu dứt khoát từ đối phương. Theo suy nghĩ chủ quan của chúng tôi, sau buổi tự phán xét này, có lẽ Ngô Bá Khá và điệu nhảy “vinahouse” của anh ta không chỉ nhanh chóng bị lãng quên mà thực sự đã trở thành biểu tượng của cái xấu trong suy nghĩ của các chiến sĩ nhỏ tuổi.

Cũng trong buổi sinh hoạt, một nhân vật khác, tương phản với Khá Bảnh cũng được nhắc đến, đó là Ðỗ Nhật Nam - thiếu niên từng được Tổng thống Mỹ Obama gửi thư khen và hiện đang là sinh viên Ðại học Pomona (Mỹ) với mức hỗ trợ học bổng 71.900 USD/năm. Nhắc đến Ðỗ Nhật Nam, dưới hội trường loáng thoáng tiếng phản biện “Thưa cô, anh ấy lớn hơn chúng em ạ”, “Anh ấy là thần đồng nên khó học theo lắm ạ!”. Giảng viên nhẹ nhàng phân tích: Hồi nhỏ anh ấy nỗ lực lắm, cô muốn các em cố gắng học những điều tốt, có ích cho bản thân và xã hội chứ không nhất định phải nhận học bổng du học...

Thời gian 12 ngày của học kỳ quân đội nhanh chóng trôi qua, tại buổi sinh hoạt cuối cùng của 123 học viên với các thầy cô phụ trách và các chú bộ đội tại “Học kỳ trong quân đội và trải nghiệm làm chiến sĩ” năm 2019, đã có những giọt nước mắt vì lưu luyến, nhớ nhung của những “chiến sĩ nhỏ”. Nguyễn Khánh Linh, 13 tuổi, đến từ xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Trải qua học kỳ quân đội năm nay, cháu cảm thấy mình như lớn hơn bởi dù thời gian không dài nhưng đây thực sự là trải nghiệm mới mẻ và đầy bổ ích. Nhất là các nội dung về kỹ năng sống, giáo dục giới tính, các biện pháp đối phó với tội phạm xâm hại tình dục. Cũng với suy nghĩ đó, Trịnh Huy Thái đến từ phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ), cậu bé 12 tuổi, thuộc diện em út trong lớp thật thà bộc bạch: Qua kỳ học làm chiến sĩ năm nay, về nhà chắc bố cháu ngạc nhiên lắm. Ít nhất là buổi sáng bố sẽ không phải “hò đò” để báo thức cháu nữa, rồi cả việc gấp chăn khi thức dậy, cháu được các chú, các anh phụ trách khen gấp chăn vuông, đẹp nhất đấy!

Việc đứa trẻ lớn lên có trưởng thành hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố về môi trường sống, hoàn cảnh, xã hội, giáo dục... Tuy nhiên, học kỳ quân đội với những định hướng, cập nhật thực tiễn sẽ là “điểm nhấn” bổ sung kỹ năng sống quý báu dành cho lứa tuổi thiếu niên lên thanh niên, để khi trở thành người lớn, các em sẽ thực sự là những “chiến sĩ” tích cực của xã hội, đất nước.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top