Khó kết luận khai thác đá gây ô nhiễm môi trường

09:15 - Thứ Năm, 25/07/2019 Lượt xem: 12626 In bài viết

ĐBP- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng được cấp phép. Bên cạnh một số đơn vị thực hiện tốt việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường thì còn những doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác mà “quên” vấn đề đảm bảo môi trường sinh thái. Trước tình hình đó, hàng năm các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý, song để phát hiện, “bắt quả tang” các doanh nghiệp khai thác đá gây ô nhiễm môi trường là vấn đề không hề đơn giản.

 

Một cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Cò Chạy, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên).

Huyện Ðiện Biên có 6 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường gồm: Ðiểm mỏ Ka Hâu II, điểm mỏ Tây Trang (xã Na Ư); điểm mỏ Pa Xa Xá (xã Pa Thơm); điểm mỏ Mường Nhà 1 (xã Mường Nhà); điểm mỏ Cò Chạy (xã Mường Pồn) và điểm mỏ bản Hả (xã Pá Khoang). Những năm qua, cử tri, người dân sinh sống gần khu vực khai thác đá đều phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các mỏ khai thác trên địa bàn xã Na Ư. Ðầu năm 2018, cử tri xã Na Ư kiến nghị việc Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh và một số đơn vị khai thác đá trên địa bàn xã gây bụi, ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân các bản Na Láy, Ka Hâu. Ðặc biệt đối với những diện tích ruộng gần điểm khai thác bị đá rơi làm ảnh hưởng tới việc sản xuất.

Ngày 2/2/2018, UBND tỉnh đã có Văn bản số 318/UBND-TH chỉ đạo và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra hiện trạng khu vực mỏ khai thác, chế biến đá của Công ty TNHH Ðầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh và một số điểm mỏ khác. Theo kết luận kiểm tra thì các đơn vị trên đã thực hiện nghiêm các thủ tục về môi trường, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và dự án cải tạo, phục hồi môi trường được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định. Các đơn vị đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ gửi cơ quan chức năng, thực hiện đúng chương trình quan trắc, giám sát môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, dây chuyền sản xuất đá tại các khu mỏ đang hoạt động có áp dụng các biện pháp phun dập bụi. Các thông số về không khí ngoài khu khai thác đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.

Theo kết luận của cơ quan chức năng tại thời điểm kiểm tra, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp rất tốt. Thế nhưng, ngày 10/6/2019, trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Na Ư của tổ đại biểu HÐND tỉnh trước kỳ họp thứ 10, nhiều cử tri xã Na Ư tiếp tục kiến nghị về vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc khai thác tại các mỏ đá trên địa bàn xã đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân xung quanh khu vực. Theo phản ánh của cử tri, phần lớn các mỏ khai thác đá không có hệ thống thu bụi, dẫn tới hàm lượng bụi tại cơ sở khai thác, chế biến đá rất lớn. Không những thế, bụi cuốn ra đường, kết hợp với việc nhiều xe ô tô chở vật liệu xây dựng không che chắn kỹ làm bụi, đất, đá trên mặt đường ngày càng nhiều. Những ngày nắng, nhất là trong mùa khô, mỗi lần có xe chạy qua bụi cuốn mù mịt, tràn vào nhà dân 2 bên đường. Về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên cũng xác nhận đầu năm 2019, Phòng nhận được đơn thư phản ánh của người dân xã Na Ư về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá.

Ðiểm mỏ khối 1 (thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà) của Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II, được cấp phép năm 2013 mặc dù đã xây dựng hệ thống giàn phun sương dập bụi làm giảm nồng độ bụi trong không khí, nhưng trong quá trình khai thác vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí khu vực xung quanh. Người dân sinh sống gần một số điểm mỏ như: Ðiểm mỏ Mường Ảng 4 (xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) của Công ty Cổ phần Cao nguyên Hà Giang; điểm mỏ Huổi Nhạt 2 (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) của Công ty Cổ phần Ðầu tư xây dựng và Thương mại Huy Hoàng; điểm mỏ Sín Sủ (xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa) của Công ty TNHH Hoàng Ánh… cũng phản ánh về tình trạng ô nhiễm do khói bụi, tiếng ồn do việc sản xuất, khai thác đá ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân.

Theo quy định, một trong những điều kiện, thủ tục bắt buộc để các doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép hoạt động khai thác đá là lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó, nêu rõ việc khai thác, sản xuất đá ảnh hưởng đến môi trường và biện pháp xử lý ô nhiễm. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động khai thác đá, doanh nghiệp có thực hiện như đã cam kết hay không lại là chuyện khác. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thì cho biết việc xác định doanh nghiệp khai thác, chế biến đá gây ô nhiễm môi trường… rất khó khăn!

Ông Ðặng Văn Tuấn, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ðiện Biên cho biết: Mặc dù có thông tin từ phía người dân, cử tri phản ánh về việc doanh nghiệp khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, nhưng rất khó xác định có ô nhiễm hay không? Có thể tại thời điểm người dân phản ánh thực sự có ô nhiễm nhưng khi cơ quan chức năng thành lập đoàn vào kiểm tra thì doanh nghiệp thực hiện rất nghiêm túc các quy định về việc bảo vệ môi trường. Trong khi, để kết luận được doanh nghiệp có gây ô nhiễm môi trường hay không thì cần phải lấy mẫu (đất, nước, không khí…) kiểm nghiệm tại thời điểm đó và phải có kết luận của cơ quan chuyên môn!

 
Như vậy, người dân phản ánh việc khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường là đúng, vấn đề là cơ quan chức năng, chính quyền không “bắt được quả tang” nên không thể kết luận có vi phạm. Các cấp, ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu, mà trước hết nên chăng thay đổi cách thức thành lập đoàn kiểm tra rầm rộ để tránh trường hợp “đến chợ thì đã tan phiên”.
Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top