Niềm vui ngày Ðại đoàn kết ở thôn Pàng Dề A1

09:30 - Thứ Tư, 13/11/2019 Lượt xem: 11270 In bài viết

ĐBP - Những ngày cuối tháng 10, người dân thôn Pàng Dề A1, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) tưng bừng tổ chức ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc. Khác với mọi năm, năm nay, ngày hội Ðại đoàn kết của thôn được tổ chức sớm hơn bởi vì thôn Pàng Dề A1 được Ủy ban MTTQ tỉnh lựa chọn tổ chức điểm.

Người dân bản Pàng Dề A1, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) ký cam kết thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Chị Vàng Thị Sua, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Pàng Dề A1 cho biết: Từ hôm 28/10, người dân đã tụ hội về đây, nhóm thì tập văn nghệ, nhóm dựng phông bạt, nhóm chuẩn bị công tác hậu cần… tạo nên không khí náo nhiệt. Ðây là lần đầu tiên thôn Pàng Dề A1 được lựa chọn tổ chức điểm nên từ cán bộ đến người dân trong thôn rất phấn khởi và hồi hộp. Tuy nhiên, Ban công tác Mặt trận thôn được sự giúp đỡ nhiệt tình của Ủy ban MTTQ huyện, xã Xá Nhè nên công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất trước một ngày so với kế hoạch.

Ðúng 8 giờ ngày 29/10, từng tốp người trong trang phục truyền thống của dân tộc Mông lần lượt tập trung đến sân vận động xã để bắt đầu ngày hội lớn. Sau những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”, các đại biểu và toàn thể nhân dân bản Pàng Dề A1 cùng ôn lại truyền thống 89 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019) và tổng kết các hoạt động phong trào trong năm 2019 của thôn, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2019.

Năm nay, người dân thôn Pàng Dề A1 vui hơn, phấn khởi hơn bởi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thôn đạt những kết quả quan trọng, có nhiều mô hình kinh tế mới; an ninh trật tự ổn định; giao thông nông thôn cơ bản hoàn thành, đảm bảo sạch đẹp, đi lại thuận tiện; tình làng nghĩa xóm gắn kết. Nhiều hộ đã trở thành điển hình trong xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, giúp đỡ người nghèo… Năm 2019, toàn thôn có 92ha lúa nương và lúa nước 1 vụ, bình quân lương thực đạt 400kg/người. Trong thôn, nhiều hộ vươn lên có kinh tế khá, chăm lo cho con cái học hành, mua sắm được nhiều tiện nghi: Xe máy, tủ lạnh, ti vi phục vụ đời sống, tiêu biểu như gia đình ông Giàng A Ly, Giàng A Tằng, Thào Gà Vàng… Người dân Pàng Dề A1 đã thực hiện tốt nếp sống văn hóa ứng xử văn minh, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ðiển hình như thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; người ốm được đưa đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh; người chết không để lâu trong nhà. Người dân bảo ban nhau không di cư tự do, không phát rừng làm nương; không trồng cây thuốc phiện, không buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với các công trình công cộng như: Ðiện, trường học, nước sinh hoạt đã được Nhà nước đầu tư xây dựng. Ðến nay, thôn Pàng Dề A1 nhận chăm sóc, bảo vệ 19,4ha rừng; 100% dòng họ trong thôn đều xây dựng hương ước, quy ước hoạt động; hàng năm đều có sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động của dòng họ. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và công tác quốc phòng được nhân dân tích cực tham gia, chấp hành nghiêm túc. Ðối với công tác mặt trận, hàng năm Ban công tác mặt trận thôn đã tổ chức ký cam kết xây dựng nhà văn hóa, tuyên dương gia đình văn hóa trong dịp ngày đại đoàn kết 18/11. Ðồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện khu dân cư văn hóa. Năm 2019, thôn Pàng Dề A1 có trên 75% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 30 hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục; người dân đóng góp hơn 2 triệu đồng ủng hộ các quỹ nhân đạo, hiến 375m2 đất, đóng góp hơn 540 ngày công để làm 500m kênh mương thủy lợi, 510m đường bê tông liên thôn.

Chị Vàng Thị Sua cho biết thêm: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thật sự có ý nghĩa đối với đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Thực tế ở thôn Pàng Dề A1, từ ngày triển khai cuộc vận động đến nay, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Nhà nào gặp hoạn nạn, ốm đau đều được bà con trong thôn đóng góp giúp đỡ; những kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi đều được trao đổi, truyền đạt để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bài ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top