Nậm Pồ thực hiện chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:08 - Thứ Hai, 18/11/2019 Lượt xem: 11499 In bài viết

ĐBP - Là huyện biên giới vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 95%; Nậm Pồ có 8 dân tộc sống đan xen (dân tộc Mông chiếm tỷ lệ cao nhất với 69,41%, dân tộc Thái 18,77%). Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS trên địa bàn.

Nhờ được hỗ trợ trâu, bò theo Chương trình 30a người dân đã vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Anh Lý Lao Ú, bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ chăm sóc đàn trâu của gia đình.

Huyện Nậm Pồ đã triển khai các văn bản hướng dẫn của tỉnh, Trung ương, các chương trình dự án phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các chế độ, chính sách với bà con DTTS được thực hiện đầy đủ. Việc này đã tạo điều kiện cho đồng bào yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo chung của toàn huyện. Quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn từ khâu lập kế  hoạch, danh mục đầu tư, xác định đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ đến khâu thanh, quyết toán. Ðồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác nhau (30a, 135, nông thôn mới...) để thực hiện hiệu quả các nội dung đầu tư, hỗ trợ.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, từ Chương trình 30a, với 62,2 tỷ đồng nguồn kinh phí được giao, UBND huyện đã triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 54,2 tỷ đồng (xây mới 1 dự án thủy lợi, 2 dự án giao thông, duy tu bảo dưỡng 17 công trình); hỗ trợ phát triển sản xuất 7,4 tỷ đồng. Triển khai Chương trình 135, với nguồn kinh phí 44,9 tỷ đồng, huyện đã xây dựng 13 công trình (8 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi, 1 công trình lớp học, 3 công trình nhà văn hóa). Về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ 311 con bò, 356 con trâu, 1.052 con dê và 1.600 con gà Ai Cập cho 2.252 hộ với tổng giá trị 37,5 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Nậm Pồ đã mở 9 hội nghị, 20 buổi tuyên truyền xuất khẩu lao động cho 1.193 lượt người, đưa 23 lao động đi xuất khẩu tại Lào và 1 lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc.

Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách, mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo ở Nậm Pồ đã giảm dần qua các năm: Năm 2016 có 3.226 hộ thiếu hụt giáo dục ở người lớn, đến năm 2018 còn 2.852 hộ. Chất lượng nhà ở với hộ nghèo được nâng lên, năm 2016 có 1.771 hộ sống trong nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ, thì đến năm 2018 còn 1.304 hộ; năm 2016 có 1.217 hộ nghèo chưa được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đến năm 2018 còn 307 hộ…

Qua triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, người dân đã biết sử dụng các loại cây, con giống mới, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ vài chục đến trên 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như: Ông Giàng A Phổng, bản Pắc A1, xã Na Cô Sa với mô hình chăn nuôi vườn - ao - chuồng, kết hợp trồng sa nhân dưới tán rừng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; hay mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của gia đình chị Lèng Thị Ðợi, bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ; anh Tao Văn Phong, chủ trang trại bản Nà Sự, xã Chà Nưa…

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nậm Pồ cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách cho người dân tộc thiểu số; thời gian tới Nậm Pồ phải nỗ lực để vượt qua những khó khăn hạn chế. Ðó là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo chưa thực sự sâu rộng, liên tục và kịp thời; vẫn còn hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi, hỗ trợ; chưa phát huy sức mạnh nội lực trong nhân dân và tiềm năng thế mạnh của địa phương; một số nơi hiệu quả đầu tư và hỗ trợ đạt thấp.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top