Tăng cường tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tự tử bằng lá ngón

09:39 - Thứ Tư, 19/02/2020 Lượt xem: 11057 In bài viết

ĐBP - Năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 140 vụ tự tử (tăng 40 vụ so với năm 2018), trong đó có tới 130 vụ tự tử bằng lá ngón; 57 người tử vong. Các vụ tự tử xảy ra chủ yếu ở các huyện vùng sâu, vùng xa, tập trung địa bàn các huyện: Ðiện Biên Ðông (109 vụ), Ðiện Biên (10 vụ), Mường Chà (6 vụ)… Bất kể vì nguyên nhân nào thì các vụ tự tử đều để lại những hệ lụy rất đau lòng; khi những gia đình thiếu cha, mất mẹ, con trẻ bơ vơ thiếu người chăm sóc và dù nạn nhân có được cứu sống thì cũng để lại những ảnh hưởng, dư chấn nặng nề về tâm lý, sức khỏe.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) tư vấn sức khỏe, tuyên truyền tác hại cây lá ngón, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tới người dân bản Huổi Dụa.

Mặc dù đã có sự triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều biện pháp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp trong tỉnh nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu các vụ tự tử, song trên thực tế số vụ tự tử xảy ra nhiều, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc Mông. Riêng năm 2019 toàn tỉnh đã xảy ra 126 vụ tự tử trong đồng bào dân tộc Mông (chiếm tới 90%), làm 45 người bị chết. Qua thống kê của cơ quan chức năng, đa phần nguyên dân dẫn tới các vụ tự tử là do mâu thuẫn trong gia đình (mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái, giữa anh, chị, em trong gia đình với nhau, hay mâu thuẫn giữa vợ và chồng). Ðáng chú ý, số vụ tự tử do yêu đương quá sớm trong lứa tuổi vị thành niên bị gia đình ngăn cản có chiều hướng tăng (năm 2019 xảy ra 43 vụ, chiếm hơn 30,7%). Chính vì vậy, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tự tử, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra, vấn đề nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống cho người dân thông qua các hoạt động giao lưu, đối thoại tiếp tục được chú trọng triển khai thực hiện. Tại huyện Ðiện Biên Ðông - nơi xảy ra nhiều vụ tự tử nói chung và những vụ tự tử bằng lá ngón nói riêng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tích cực truyền thông và ra mắt nhiều mô hình cam kết “Thay đổi nhận thức nhằm giảm thiểu tự tử bằng lá ngón”; tuyên truyền tới người dân, nhất là hội viên, phụ nữ những tác hại của lá ngón; kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phát triển kinh tế. Hội cũng phối hợp tăng cường truyền thông tới hội viên, phụ nữ, học sinh về phòng, chống tự tử bằng cây lá ngón, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Giúp học sinh có thêm kiến thức về sức khỏe sinh sản, hiểu hơn về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như có kỹ năng sống, công tác truyền thông về lĩnh vực này được các nhà trường chú trọng thực hiện. Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT Ðiện Biên Ðông, học sinh trong trường thường xuyên được cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các kỹ năng sống cần thiết lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Kỹ năng phân biệt tình bạn, tình yêu, mối quan hệ lành mạnh giữa nam - nữ; các vấn đề liên quan đến tình dục; phòng tránh thai; tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Thầy giáo Vũ Trung Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ðặc thù là trường chuyên biệt với 10 lớp, 347 học sinh ăn ở sinh hoạt tập trung tại trường, cơ bản là học sinh người dân tộc thiểu số. Vì vậy, cùng với việc dạy kiến thức theo chương trình sách giáo khoa, công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức giúp các em có kỹ năng sống luôn được quan tâm. Nhà trường phối hợp với cán bộ dân số của Trung tâm Y tế huyện tổ chức truyền thông về phòng chống tự tử bằng cây lá ngón, chăm sóc sức khỏe sinh sản… giúp các em nắm được những tác hại của cây lá ngón, cách sơ cứu đối với người ngộ độc lá ngón; có thêm kiến thức, khả năng tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Qua bàn thảo các biện pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các vụ tự tử có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, theo ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì vấn đề mấu chốt vẫn là thay đổi tư duy, nhận thức của mỗi người trong việc yêu quý cuộc sống, biết quý trọng tính mạng, bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động giao lưu, đối thoại để xây dựng động cơ, thái độ ứng xử đúng mực, lành mạnh trong đời sống. Tăng cường các hoạt động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể để giải tỏa những vướng mắc, xung đột cá nhân giúp con người biết kiềm chế, nhường nhịn, bao dung hơn. Cùng với đó là xây dựng lực lượng tư vấn tại thôn, bản (già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc) có khả năng hướng dẫn, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, trong ứng xử để kịp thời tư vấn cho người đang bế tắc. Ðồng thời gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng phối hợp tham gia với phương châm không “khoán trắng”, không “đổ lỗi” cho gia đình, không “đùn đẩy trách nhiệm cho xã hội” để cùng chung tay góp sức đẩy lùi vấn nạn tự tử đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động này.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top