Ðẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến

08:37 - Thứ Hai, 24/02/2020 Lượt xem: 10346 In bài viết

ĐBP - Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã tiếp nhận 16.610 hồ sơ và xử lý 11.579 hồ sơ. Kết quả này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp và tăng tính công khai, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua báo cáo thống kê, đến nay vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp xã chưa thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; số lượng cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ phát sinh qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn rất thấp; tỷ lệ hồ sơ quá hạn, trễ hẹn còn cao. Do vậy, để người dân hiểu và chủ động tiếp cận dịch vụ công trực tuyến thì công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh và đi trước một bước.

Người dân xã Mường Lói, huyện Ðiện Biên thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ xã.

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh cung cấp 1.785 dịch vụ công mức độ 2; 243 dịch vụ công mức độ 3 và 86 dịch vụ công mức độ 4. Qua đánh giá, Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh đã đáp ứng 100% việc xử lý các bộ thủ tục hành chính với cơ chế “Một cửa” và “Một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đặc biệt là cấp xã; số lượng hồ sơ còn thấp so với thực tế thủ tục hành chính phát sinh. Mặc dù, đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tuy nhiên nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa biết, chưa sử dụng hoặc vẫn còn tâm lý e ngại khi nộp hồ sơ trực tuyến. Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, các sở, ngành tỉnh tiếp nhận 464 hồ sơ; tuy nhiên, chủ yếu phát sinh hồ sơ tại các sở: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Trong khi đó, đến nay một số sở, ngành vẫn chưa phát sinh hồ sơ, như: Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Ban Dân tộc tỉnh… Ðối với huyện, thị, thành phố đã tiếp nhận 2.598 hồ sơ, số lượng hồ sơ quá hạn, trễ hạn cao. Cụ thể, có 3.228 hồ sơ quá hạn giải quyết và 248 hồ sơ trễ hạn. Các địa phương có số lượng hồ sơ quá hạn cao như: TP. Ðiện Biên Phủ có 2.037/2.486 hồ sơ tiếp nhận quá hạn thời gian giải quyết; huyện Mường Nhé có 229/263 hồ sơ quá hạn giải quyết; huyện Mường Ảng có 340/608 hồ sơ quá hạn. Ðặc biệt, đối với cấp xã, hiện nay tỷ lệ phát sinh hồ sơ rất thấp. Từ đầu năm 2020 đến nay, mới phát sinh 1.857 hồ sơ, trong đó, có 66/129 xã, phường, thị trấn chưa phát sinh hồ sơ.

Ðể tăng cường hiệu quả, khai thác, sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các các nhiệm vụ trọng tâm như: Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Ðảm bảo 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện qua hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến (trừ những dịch vụ công trực tuyến đang sử dụng trên các phần mềm quản lý của các bộ, ngành Trung ương). Khai thác, sử dụng có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ðồng thời, chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị trực tiếp hướng dẫn nhân dân và doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến; thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời các thủ tục hành chính thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý lên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Ðồng thời, rà soát, lựa chọn các thủ tục hành chính lên dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 (ngoài các dịch vụ công trực tuyến đã được cấu hình theo quy định bắt buộc). Ðối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo tài khoản để sử dụng thanh toán trực tuyến hoặc dịch vụ thu phí, lệ phí qua bưu điện nhằm giảm thiểu thời gian cho nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định tại Quyết định số 45/2016/QÐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top