Có kịch bản ứng phó cho lao động Việt Nam ở thị trường ngoài nước có dịch Covid-19

09:19 - Thứ Ba, 25/02/2020 Lượt xem: 11536 In bài viết

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với dịch Covid-19. Qua đó, bảo đảm tối đa quyền lợi của lao động Việt Nam ở các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều lao động nước ta tới làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại những thị trường này.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh minh họa: Dolab).

Có phương án hỗ trợ người lao động về nước

Trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra, đặc biệt là một số quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung liên quan tới phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ trì, phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước, đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các quốc gia và vùng lãnh thổ này.

Cụ thể, yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng địa phương, khu vực của nước đó.

Nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước (phương án theo quy mô lao động, như dưới 1.000 người, từ 1.000 - 5.000 người, từ 5.000 - 20.000 người,… Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện bảo đảm…

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng nêu giải pháp về ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động; các giải pháp về tuyên truyền cho người lao động; giải pháp ngăn ngừa các phản ứng tiêu cực của người lao động, các phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.

Cần triển khai ứng dụng kết nối, hỗ trợ khẩn cấp trên điện thoại cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và các chương trình mà Trung tâm Lao động ngoài nước đang triển khai.

Việt Nam hiện có khoảng 650 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2019, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt hơn 152 nghìn người. Trong đó, Nhật Bản thu hút hơn 82,7 người động, Đài Loan (Trung Quốc): gần 55 nghìn người, Hàn Quốc: hơn 7.200 người … Riêng ở Hàn Quốc, hiện có gần 48 nghìn lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc.

Quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Cục Việc làm xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cục Việc làm rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.

Cần nêu các phương án cách ly, chữa bệnh khi lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc (theo quy mô lao động, như dưới 100 người, từ 100 - 1.000 người, hơn 2.000 người,…). Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện bảo đảm…

Đề xuất các phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt lao động, chuyên gia nước ngoài. Các phương án cấp phép, tạm dừng cấp phép,…đối với lao động nước ngoài trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát ở nhiều cấp độ, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cục Quan hệ lao động và tiền lương xây dựng các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xử lý trong trường hợp người lao động đình công, ngừng việc tập thể liên quan tới dịch bệnh Covid-19. Đề xuất các phương án liên quan tới vấn đề chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian công bố dịch bệnh theo tại Bộ luật Lao động.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng phương án để tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện thống nhất trong toàn quốc (thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhập học, kết thúc,…). Các phương án xử lý trong trường hợp học sinh, sinh viên nhiễm bệnh khi đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (theo quy mô học sinh, sinh viên, như dưới 10 người, từ 10 - 100 người, trên 1.000 người,…). Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện bảo đảm…

Vụ Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, đề xuất các phương án chi trả chế độ ốm đau đối với người lao động bị cách ly.

Cục Người có công, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội xây dựng phương án phòng chống lây nhiễm trong hệ thống các trung tâm điều dưỡng người có công với cách mạng, các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy. Kịch bản ứng phó khi có đối tượng lây nhiễm trong các trungtâm, cơ sở theo quy mô đối tượng… Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện bảo đảm…

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Pháp chế chủ động phối hợp các đơn vị liên quan để cùng xây dựng kịch bản, phương án xử lý các tình huống nhằm bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành của pháp luật lao động và các nội dung pháp lý khác có liên quan.

Do yêu cầu cấp bách trong công tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo xây dựng kịch bản, phương án ứng phó, tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Bộ, với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hữu hiệu và chủ động trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành lao động, thương binh và xã hội.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top