Ðiện Biên quan tâm đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

10:01 - Thứ Tư, 15/04/2020 Lượt xem: 9211 In bài viết

Thực hiện Ðề án Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QÐ-TTg ngày 27-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ, Những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã quan tâm chỉ đạo các ngành xây dựng danh mục nghề đào tạo. chính quyền các huyện, thị xã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn lao động nông thôn (LÐNT), nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đăng ký học nghề, vận dụng vào thực tiễn, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Học viên lớp đào tạo nghề huyện Tủa Chùa thực hành kỹ thuật thu hoạch, bảo quản ngô.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ðiện Biên, từ tháng 4-2010, Ban Chỉ đạo thực hiện Ðề án 1956 cấp tỉnh đã được thành lập; ở cấp huyện có tất cả 10 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo vào tháng 12-2010 và toàn bộ xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác hoặc lồng ghép ban chỉ đạo giảm nghèo với ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Ngay khi đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo Ðề án 1956 tỉnh đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh mục đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm và 5 năm, sao cho phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của người học.

Trao đổi về quá trình chỉ đạo, thực hiện đào tạo nghề cho LÐNT, lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ðiện Biên Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Hằng năm, tỉnh tiến hành khảo sát trực tiếp người lao động để nắm bắt nhu cầu học, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, của doanh nghiệp. Từ năm 2010 đến nay, Ðiện Biên đã tổ chức hai cuộc điều tra, khảo sát quy mô cấp tỉnh và 40 cuộc điều tra, khảo sát quy mô cấp huyện, qua đó xác định được 38.650 người có nhu cầu học nghề. Ðến nay, UBND tỉnh phê duyệt 101 nghề thuộc danh mục đào tạo nghề cho LÐNT, lao động DTTS, trong đó có 56 nghề nông nghiệp và 45 nghề phi nông nghiệp. Tất cả số nghề thuộc danh mục đã được xây dựng định mức chi phí đào tạo, đơn giá đặt hàng.

Với các cơ sở tham gia đào tạo nghề, UBND tỉnh Ðiện Biên cũng yêu cầu tổ chức đánh giá chất lượng giảng viên theo định kỳ hằng năm để bảo đảm người giảng dạy phải đáp ứng đủ các trình độ, có năng khiếu truyền đạt kỹ năng nghề. Tại các huyện tập trung nhiều đồng bào DTTS như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Ðiện Biên Ðông, Mường Chà..., trung tâm đào tạo nghề của huyện phải có thêm giảng viên là người am hiểu phong tục tập quán, nghe, nói được tiếng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu trên địa bàn như là dân tộc Thái, H’Mông...

Là đơn vị thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Tủa Chùa chú trọng thực hiện công tác khảo sát, thăm dò nhu cầu đào tạo của lao động kết hợp đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương - nơi có kế hoạch mở lớp đào tạo nghề, sau đó phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tư vấn, vận động lao động đăng ký tham gia các lớp đào tạo. Bằng cách làm đó, trung tâm đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho hàng trăm lao động học các nghề: Trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật sản xuất mô hình vườn, ao, chuồng (VAC) kết hợp… Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Duy Hiệu cho biết: Từ năm 2010 đến nay, Tủa Chùa đã tổ chức 139 lớp đào tạo nghề cho 4.627 lao động. Tất cả đối tượng học nghề là người DTTS, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 74% và chủ yếu làm việc ổn định tại địa phương.

Cũng được ghi nhận là địa phương thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho đồng bào DTTS và LÐNT, song huyện Ðiện Biên Ðông có cách làm khác. Tận dụng lợi thế của địa phương là có diện tích rộng, chủ yếu đất rừng, đất sản xuất, những năm qua, huyện chủ trương đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ sao cho lao động sau đào tạo biết áp dụng để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp tại địa phương. Theo chủ trương đó, UBND huyện Ðiện Biên Ðông đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện chủ động triển khai các lớp đào tạo nghề nông nghiệp ngay tại thôn, bản, nơi người dân đăng ký học nghề. Với phương pháp cầm tay chỉ việc, theo từng lớp học cụ thể, trung tâm xây dựng các mô hình sản xuất để người học được thực hành trên mô hình. Anh Lầu A Thái, bản Sa Dung, xã Sa Dung cho biết: Ðược tham gia lớp đào tạo chăn nuôi gia súc, gia cầm ở bản, tôi đã biết cách phát hiện bệnh, tiêm thuốc chữa, phòng bệnh cho trâu bò. Áp dụng vào đàn trâu của gia đình, tôi thấy hiệu quả hơn hẳn. Qua mấy mùa lạnh nhưng đàn trâu nhà tôi khỏe mạnh, không bị các bệnh long móng như trước nữa.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Sơn, khẳng định: Trong số 53.793 lao động được hỗ trợ học nghề có 40.720 người (chiếm hơn 75%) có việc làm ổn định. Quá trình thực hiện đề án, các địa phương đã thí điểm thành công nhiều mô hình dạy nghề ngắn hạn đạt hiệu quả, có khả năng nhân rộng trong thời gian tới, như: Kỹ thuật trồng và chế biến nấm (thị xã Mường Lay); kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến cà-phê (huyện Mường Ảng); kỹ thuật xây dựng (hai huyện Tuần Giáo và Mường Ảng)... Các lớp đào tạo nghề còn giúp người học thay đổi nhận thức căn bản từ suy nghĩ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí thì nay người lao động ở Ðiện Biên đã có ý thức với học nghề. Bởi họ hiểu, học nghề giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm phù hợp hoặc có khả năng tự tạo việc làm cho bản thân, người trong gia đình để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top