Nhận diện và đối phó tin giả: Cần sự đồng lòng vào cuộc từ nhiều phía

15:31 - Thứ Năm, 16/04/2020 Lượt xem: 8802 In bài viết

Vấn nạn tin giả được đo lường và cảnh báo từ lâu, đặc biệt là khi đời sống xã hội xuất hiện biến cố lớn như đại dịch Covid-19. Những gì diễn ra cho thấy cần phải có chiến lược đối phó hiệu quả với sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm giảm thiểu tổn thất từ tin giả, tin xấu độc.

Trong đó, những phần việc quan trọng là xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan; củng cố điều kiện và lực lượng giám sát, thi hành luật; kêu gọi sự chung tay của nhân dân trong chống nạn tin giả, đặc biệt là người dùng mạng xã hội.

Người dùng mạng xã hội cần thường trực tâm thế “nói không” với tin giả, tin xấu độc.

Đại dịch mang tên “fake news”

Xem xét vấn đề liên quan tới tin giả (fake news), dễ thấy loại “vi rút truyền thông” này có môi trường ưa thích là mạng xã hội (MXH) như Facebook, YouTube... Tại Việt Nam, trong thời gian qua, hàng loạt tin giả liên quan tới dịch Covid-19 đã được nhiều người đưa lên mạng Facebook nhằm mục đích khác nhau. Vào đầu tháng 2, khi Thủ đô Hà Nội chưa có ca mắc SARS-CoV-2 nào thì trên mạng xã hội Facebook lan truyền tin “bên Gia Lâm có người nhiễm vi rút”. Trước đó là tin giả “dùng 5 máy bay phun thuốc trừ dịch”, tin sai sự thật về ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Thái Nguyên, Nghệ An, Kiên Giang..., về cách chữa bệnh bằng... chất gây nghiện. Tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng đầu tháng 2, một Facebooker (người dùng Facebook) đăng tải đoạn ghi âm dẫn tin từ “người làm trong bệnh viện Chợ Rẫy” thông báo rằng có hơn ba chục người chết vì nhiễm vi rút corona chủng mới - điều không có trong thực tế; tới ngày 26-3 xuất hiện tin giả “Thành phố Hồ Chí Minh bị phong tỏa trong vòng 14 ngày”...

Trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, ít nhất có hai lần người Hà Nội bị cuốn vào “cơn lốc mua sắm”, bất chấp lời hứa có đầy đủ cơ sở thực hiện bảo đảm cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm của lãnh đạo Chính phủ và các địa phương, trong đó có Thành phố Hà Nội. Đó là tối muộn ngày mùng 6 và sáng 7-3, sau khi có tin xác nhận về ca mắc thứ 17; ngày 31-3, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu thực hiện cách ly xã hội. Tác nhân của sự vội vã liên quan đến hiệu ứng đám đông khi nhiều người “lên mạng” buông lời ỡm ờ về khả năng “cháy hàng siêu thị”.

Suýt chút nữa sự chen chúc lại diễn ra một lần nữa vào cuối tuần qua, khi kiểu tin “ỡm ờ” dẫn đến cách hiểu tình hình dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng và Chính phủ sẽ sớm ra quyết định gia hạn thực hiện cách ly xã hội. Rất may là lần này người dân đã rút ra bài học kinh nghiệm, không đổ xô mua sắm dù “lời khuyên” thậm chí đã được đưa ra cả trong group Zalo vốn là nơi phục vụ cho sự tương tác giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

Rõ ràng là ngoài SARS-CoV-2, chúng ta đang đối diện với một loại vi rút khác - tin giả, không kém phần nguy hiểm.

Trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch Covid-19, ít nhất có hai lần người Hà Nội bị cuốn vào “cơn lốc mua sắm” bởi tin giả.

“Thuốc” chưa đủ liều

Fake news xuất hiện ngày một nhiều, gây thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần đối với tổ chức, cá nhân, thậm chí xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ hình ảnh quốc gia, gây mất ổn định, đòi hỏi giải pháp ngăn chặn quyết đoán hơn.

Theo cơ quan Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ tính riêng trong quý I năm nay, lực lượng thanh tra các cấp đã phối hợp xử phạt hành chính đối với hàng chục cá nhân với tổng số tiền hơn 167 triệu đồng, lập biên bản nhắc nhở hàng trăm trường hợp khác vì đã đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19...

Tuy nhiên, những giải pháp chấn chỉnh, xử lý hành vi lan truyền tin giả được thực hiện khá quyết liệt trong thời gian qua dường như vẫn chưa đủ để chặn đứng dòng tin có hại. Cuối tháng 3, một thanh niên 23 tuổi tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) đã đăng lên trang Facebook cá nhân dòng tin giả vỏn vẹn mấy từ: “Gia Viễn đã có Covid-19 rồi”, kết quả là phải nhận quyết định phạt hành chính 12,5 triệu đồng. Về mức phạt này, ông Trần Giang Nam (chung cư  Ecolife Capitol - 58 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm) nhận xét: “Với trường hợp này là hợp lý. Nhưng về lâu dài cần có biện pháp mạnh tay hơn bởi nhiều khi mức phạt không đủ sức răn đe khiến người tung tin giả nhằm trục lợi về kinh tế hoặc ẩn giấu động cơ chính trị sẵn sàng nộp phạt rồi tiếp diễn hành vi xấu”. 

Trong thực tế, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về vấn đề này, gần nhất là sự xuất hiện của Luật An ninh mạng; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, trong đó có các điều khoản liên quan tới hành vi phát tán thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, sự hạn chế về nhiều mặt đã khiến công tác quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm chưa thu được kết quả cần thiết. Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đỗ Quý Vũ nhận xét: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã cập nhật nhưng bộc lộ bất cập, chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, chưa làm rõ các nội dung liên quan đến tin giả trên mạng xã hội, chế tài chưa bảo đảm tính răn đe”.

Đó là chưa kể khó khăn do sự hạn chế về lực lượng tham gia công tác quản lý, xử lý vi phạm; phương thức hoạt động của phía sử dụng MXH thường xuyên thay đổi, sử dụng tài khoản ảo, hoạt động thông qua máy chủ đặt ở nước ngoài... Hơn nữa, nhiều người tham gia MXH không đủ khả năng nhận biết tin giả, thiếu kỹ năng sàng lọc thông tin nên thường bị cuốn theo luồng tin được nhiều người chia sẻ.

Chung sức ngăn chặn tin giả

Những hạn chế nói trên cho thấy vai trò quan trọng của việc thúc đẩy công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng công tác giám sát, phát hiện, xử lý hành vi phát tán tin sai sự thật. Hơn nữa, cần tăng cường công tác truyền thông, vận động nhân dân, đặc biệt là người tham gia MXH tham gia tích cực vào việc ngăn chặn tin giả.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Vũ cho rằng: “Để giải quyết vấn đề tin giả, cần triển khai giải pháp đồng bộ như: Chủ động cung cấp thông tin mà người dân quan tâm; Xây dựng hệ thống luật bao quát đầy đủ các nội dung liên quan đến tin giả trên MXH, hình sự hóa tội danh tung tin giả có chủ đích, gây ảnh hướng lớn đối với xã hội; Thông tin đầy đủ cho người dân về các sai phạm đã bị xử lý, các hình phạt, mức phạt cụ thể để vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức vừa giáo dục cho người dân kỹ năng lọc tin giả; Tăng cường sử dụng công nghệ trong việc phát hiện, xử lý tin giả, trong đó, chú trọng nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp của các nhà cung cấp dịch vụ, sự tham gia của cộng đồng”.

Trong cuộc chiến ngăn chặn luồng thông tin có hại, chính đối tượng mà những kẻ gieo rắc tin giả hướng đến là “nhân vật chính”. Người dùng MXH cần thường trực tâm thế “nói không” với tin giả, tin xấu độc, sẵn sàng phản biện, đưa ra ánh sáng những người phao tin thất thiệt, lan truyền tin giả nhằm trục lợi hoặc thực hiện ý đồ đen tối khác.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay chống tin giả, cần chú ý đúng mức tới vai trò của các Facebooker có khả năng tạo hiệu ứng đám đông, hình thành xu hướng nhìn nhận vấn đề chung theo hướng tích cực. Trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, trước khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ 17, một số Facebooker có lượng người theo dõi khá đông đã tỏ ý “bất tuân” khuyến cáo đeo khẩu trang cũng như hạn chế di chuyển khi không cần thiết. Không trực tiếp phản đối khuyến cáo nói trên nhưng họ liên tục đăng tải thông tin về những chuyến đi vui vẻ với hình ảnh và lời lẽ bóng gió thể hiện thái độ “nói không” với khẩu trang, coi thường đại dịch. Tâm lý chủ quan lan truyền tới những người quan tâm theo dõi họ, thúc đẩy lối ứng xử không phù hợp với tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định ngay từ đầu. Bởi vậy, vận động, thuyết phục những người nổi tiếng tham gia ngăn chặn tin giả là việc quan trọng.

 

Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đinh Tiến Dũng:

Việc quản lý, xử lý các hành vi đăng tải, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung sai sự thật gặp nhiều khó khăn do tính phức tạp của môi trường mạng. Việc rà quét các tài khoản ẩn danh, tài khoản ảo, nhóm kín còn hạn chế do thiếu công cụ truy nguyên. Qua theo dõi hoạt động của một số trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền quốc tế, nội dung viết về các địa phương, có thể thấy hầu hết có máy chủ, tên miền đăng ký tại nước ngoài, ẩn thông tin chủ thể, đồng thời chủ thể cũng không khai báo tên miền tại địa chỉ https://www.thongbaotenmien.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, gây khó khăn cho công tác quản lý của các địa phương.

Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp đối với nội dung các tin, bài, hình ảnh đăng tải trên các trang điện tử cá nhân vi phạm quy định của pháp luật cũng gặp nhiều thách thức do các giám định viên tư pháp thuộc Sở Thông tin và Truyền thông chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top