Ðảm bảo chi trả hỗ trợ minh bạch, đúng đối tượng

08:49 - Thứ Tư, 03/06/2020 Lượt xem: 6595 In bài viết

ĐBP - Ngay sau khi UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, huyện Ðiện Biên Ðông đã khẩn trương rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng bảo đảm theo đúng quy định, công khai, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách. Trong đó, tập trung rà soát lại nhóm đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng, bởi các đối tượng này có sự biến động trong thời gian qua, rất dễ xảy ra sai sót, trùng lặp.

Cán bộ xã Keo Lôm hướng dẫn người được thụ hưởng làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo Quyết định 15/2020/QÐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ. Ðể việc hỗ trợ đúng, trúng và kịp thời, huyện Ðiện Biên Ðông thành lập các tổ rà soát cấp huyện, xã đến từng bản, tổ dân phố. Trưởng bản, tổ dân phố thực hiện rà soát, xác minh đối tượng, lập danh sách gửi cấp xã, sau khi xã công khai danh sách thì gửi huyện để tổng hợp, phê duyệt và dự trù kinh phí, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

Theo ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là ưu việt, thể hiện rõ tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Ðảng, Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, Phòng đã phối hợp với những đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn tiến hành rà soát, thống kê các nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý. Mặc dù thời gian thực hiện ngắn nhưng các cơ quan, đơn vị đã triển khai với nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đảm bảo tính công khai minh bạch. UBND các xã, thị trấn thường xuyên thông báo, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện đăng ký nhận hỗ trợ đến người dân và đối tượng thụ hưởng trên địa bàn; đồng thời đề nghị các đối tượng thụ hưởng khai báo, đăng ký. Cùng với đó, chính quyền cơ sở cử các tổ công tác xuống địa bàn để rà soát theo đúng tinh thần: “Ði từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Qua rà soát, tổng số đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn huyện được hỗ trợ có 15 người; đối tượng bảo trợ xã hội gần 1.600 người; số nhân khẩu thuộc hộ nghèo gần 33.000 người và số nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 4.936 người; tổng số tiền đề nghị hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát lại danh sách các xã, thị trấn chuyển lên huyện, số lượng đối tượng bị trùng lặp khá nhiều. Kiểm tra sơ bộ đã có hàng trăm nhân khẩu, đối tượng bị trùng lặp so với danh sách rà soát trước đó. Lý do chủ yếu là nhiều hộ chưa cắt khẩu, nhiều nhân khẩu đã chuyển đi nhưng vẫn còn tên ở hai hộ khẩu, hoặc cùng trong một hộ nhưng cấp xã đưa lên lại trùng thành 2 khẩu, 3 khẩu. Tương tự, trong danh sách chi trả trợ cấp hàng tháng, có nhiều trường hợp được hưởng từ 2 - 3 chế độ. Chẳng hạn, trường hợp người có công vừa hưởng chế độ thương binh, vừa hưởng chế độ chất độc hóa học hay đối tượng bảo trợ xã hội cũng thuộc diện hộ nghèo nên việc rà soát chặt chẽ để chọn ra mức hỗ trợ cao nhất cho một đối tượng được huyện Ðiện Biên Ðông triển khai khẩn trương và thận trọng.

Hiện nay, Ðiện Biên Ðông đang triển khai đến các nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ còn lại như: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm... Tuy nhiên, trong quá trình rà soát các đối tượng trên cũng gặp nhiều khó khăn. Ðơn cử đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, việc xác định đối tượng này rất khó. Theo khảo sát ban đầu, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, chăm sóc sức khỏe; các đối tượng bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định bị đóng cửa trong thời gian thực hiện cách ly xã hội nhưng họ vẫn làm những công việc khác. Do vậy, khó có thể xác định được thu nhập ở dưới mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QÐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Ðiều đó gây khó khăn trong việc rà soát, thẩm định.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top