Mường Nhé đào tạo nghề nông nghiệp cho LÐNT

08:53 - Thứ Sáu, 12/06/2020 Lượt xem: 7623 In bài viết

ĐBP - Xác định sản xuất nông nghiệp là nghề chính nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút người dân trong độ tuổi lao động tham gia các lớp học nghề nông nghiệp. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động nông thôn (LÐNT); hình thành các mô hình hay, sáng tạo, phương thức sản xuất mới ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi tham gia các lớp dạy nghề do huyện tổ chức, anh Giàng A Vàng, bản Ngã Ba, xã Mường Toong đã ứng dụng vào thực tiễn, đào hơn 1.500m2 ao nuôi cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  Trong ảnh: Anh Giàng A Vàng chăm sóc cá. Ảnh: Sầm Phúc

Chúng tôi có dịp về lại bản Mường Nhé (xã Mường Nhé) thăm mô hình trồng nấm sò của gia đình chị Khoàng Thị Trường. Sau hơn 5 năm, từ khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng nấm sò, chị Trường đã vận dụng kiến thức mở rộng quy mô sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Trường nói: “Sau khi tập huấn trồng nấm, được hỗ trợ về giống, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc... gia đình tôi đã xây dựng cơ sở trồng nấm sò”. Kỹ thuật chăm sóc nấm không khó, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của nhà (rơm, mùn cưa…) đem khử trùng qua nước vôi, đánh đống, khoảng từ 4 - 5 ngày đóng thành bịch rồi cấy giống, treo bịch thành từng xâu 4 - 8 bịch, sau đó tưới nước xung quanh thành bịch để tạo độ ẩm. Khi mầm nấm trắng đều thì dùng dao lam rạch thành từng đường dài ở bên hông, sau 3 ngày thì cho thu hoạch; mỗi lần thu được từ 3 - 4kg. Tới nay, gia đình tôi có hơn 300 bịch nấm sò, mỗi tháng cho thu nhập gần 4 triệu đồng. Không riêng chị Trường, ở xã Mường Nhé có nhiều hộ sau khi được tập huấn trồng nấm đã ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Chị Lò Thị Ổ, Tống Thị Dung, Mào Thị Thơm (bản Mường Nhé); chị Lò Thị Dung, Vi Thị Luyến (bản Phiêng Kham).

Là huyện vùng cao, với trên 95% là đồng bào DTTS, chủ yếu mưu sinh bằng nghề nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi... Ðể phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Nhé xác định trước nhất cần nâng cao tay nghề cho LÐNT, nhất là tầng lớp thanh niên, người trong độ tuổi lao động. Bà Trần Thị Măng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé cho biết: Những năm qua, ngoài mở các lớp đào tạo nghề  tập trung, huyện Mường Nhé luôn chú trọng, hướng người học tới các nghề nông nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Trong tổng số gần 24.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 55,4% tổng dân số) thì có gần 80% lao động làm việc trong ngành Nông nghiệp. Ðể nâng cao chất lượng tay nghề, hướng LÐNT tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các vùng chuyên canh, mô hình sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Nhé đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các buổi họp thôn, bản. Ðồng thời, chỉ đạo 11/11 xã tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù sản xuất, mô hình nông nghiệp của từng địa phương, điều tra cung - cầu lao động; từ đó xây dựng kế hoạch, triển khai đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với thực tế, năng lực, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành” lấy hiệu quả để đánh giá kết quả học tập trong việc dạy nghề cho học viên; công tác giảng dạy, đào tạo nghề không chỉ dừng lại ở phạm vi lý thuyết, hướng dẫn chung chung theo khái niệm mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng sau mỗi khóa đào tạo. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục Thường xuyên huyện Mường Nhé đã tổ chức 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 500 LÐNT; chủ yếu là nghề: Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su; trồng nấm; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò; trồng thâm canh cây ăn quả; chăn nuôi gà đồi, vườn...

Theo bà Trần Thị Măng, mặc dù công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LÐNT đã đạt nhiều thành tựu, nhưng vẫn còn một số khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Ðặc biệt, nhận thức của người dân về học nghề và việc làm chưa cao, chưa mặn mà với học nghề; vẫn còn tình trạng người dân “trông chờ ỷ lại” vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Thời gian tới, huyện Mường Nhé tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường triển khai tuyển sinh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ðồng thời, chỉ đạo các xã làm tốt quy hoạch sản xuất, trong đó xác định được sản phẩm chủ lực, sản xuất có liên kết tiêu thụ để thu hút người lao động; hỗ trợ vay vốn để người dân phát triển sản xuất, hình thành các mô hình kinh tế nông nghiệp, trang trại, gia trại, vùng chuyên canh cây trồng (sa nhân, xả...). Từ đó, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top