Nâng cao chất lượng dân số - nhìn từ các mô hình

08:17 - Thứ Bảy, 11/07/2020 Lượt xem: 8297 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, ngành dân số đã có nhiều cố gắng để giảm tỷ lệ sinh và cho đến thời điểm này, có thể nói Điện Biên đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Hay nói một cách ví von là giai đoạn “cửa sổ cơ hội” để phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó là bài toán nâng cao chất lượng dân số. Và những mô hình, câu lạc bộ về dân số đã và đang được ngành dân số kỳ vọng là một trong những giải pháp đắc lực đóng góp cho tiến trình này.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với công tác dân số Điện Biên nhiều năm qua đó là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thông qua khảo sát thực tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này đó là những hủ tục “ăn sâu bám rễ” trong tư duy đời sống của người dân; cùng với đó là những hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức, thông tin; đời sống khó khăn, thiếu thốn...

Cán bộ dân số xã Huổi Lèng (Mường Chà) hướng dẫn người dân cách sử dụng thuốc tránh thai.

Trước thực trạng này, năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại các bản ở 6 xã: Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông (huyện Mường Chà); Phì Nhừ, Sa Dung, Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông). Sau khi có những kết quả khả quan bước đầu, mô hình được nhân rộng và cho đến nay đã triển khai đại trà tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Việc triển khai được ưu tiên chú trọng vào công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết đến đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân. Thông qua những hình thức phong phú, như: Truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng đã có tác động trực tiếp đến nhận thức, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ của các bậc phụ huynh và trẻ vị thành niên.

Đặc biệt, vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở đã được phát huy tốt trong bám nắm địa bàn. Anh Lò Văn Phui, cộng tác viên dân số bản Co Đứa, xã Na Sang (Mường Chà), cho biết: Không chỉ sâu sát đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, chúng tôi còn có nhiệm vụ phát hiện kịp thời những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết để từ đó có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người và phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn. Cho đến nay, tuy vẫn tồn tại một số trường hợp, song về cơ bản tình trạng này đã được hạn chế rất nhiều.

Đặc biệt, xác định đối tượng chính cần tiếp cận và tác động là lứa tuổi thanh, thiếu niên nên Phòng Dân số các huyện chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trường dân tộc nội trú trên địa bàn để tổ chức tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiền hôn nhân cho cán bộ, giáo viên; nói chuyện chuyên đề cho học sinh nội trú; thành lập Câu lạc bộ Tư vấn tiền hôn nhân với nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tình yêu, tình bạn, những hệ quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết...

Một mô hình dân số khác đã và đang được triển khai hiệu quả đó là Câu lạc bộ (CLB) tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Mô hình này được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh triển khai với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản trong vị thành niên - thanh niên. Hiện nay, tại nhiều địa bàn dân cư, mô hình đã trở thành kênh thông tin hữu ích của nhiều bạn trẻ. Thông qua nội dung sinh hoạt, các CLB đã cung cấp cho vị thành niên - thanh niên trên địa bàn nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi… giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn; khi mang thai đã đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước, trong và sau sinh.

Cùng với 2 mô hình trên, những năm qua, để góp phần nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng đồng thời triển khai nhiều đề án về dân số tại các địa phương trong tỉnh, như: Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh; tiếp tục đẩy mạnh mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030. Mới đây, chi cục đã triển khai Mô hình “Bản không có tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết thống” năm 2020 tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ), với mục tiêu là tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc; các đoàn thể tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng; nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi thích hợp cho các nhóm đối tượng, nhất là bậc cha mẹ, người trong độ tuổi sinh đẻ về các nội dung, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Chính sách Dân số, hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền, vận động đến mở rộng các mô hình, chất lượng dân số của tỉnh đang được nâng lên rõ rệt, quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi. Tỷ suất sinh giảm từ 31,44%o (năm 2001) xuống còn 21,99%o (năm 2019); tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 55% (năm 2001) lên 58,37% (năm 2019). Các chỉ tiêu trên đã góp phần đưa số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 3,92 con (năm 2001) xuống còn 2,72 con (năm 2019), Điện Biên đang tiến dần tới mốc đạt mức sinh thay thế và bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng.

Mặc dù vậy, ngành dân số tỉnh nhà vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khi Điện Biên vẫn là địa phương có mức sinh cao, các vấn đề như: tỷ lệ sinh con thứ 3, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại. Mặc dù rất muốn nhân rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các mô hình về dân số, song trên thực tế, việc triển khai các đề án, mô hình về dân số gặp không ít khó khăn do hạn chế về kinh phí; thù lao cộng tác viên dân số thấp cũng dẫn đến nhiều biến động và giảm hiệu quả hoạt động.  

Bên cạnh đó, theo bà Đặng Thúy Lan, Trưởng phòng Truyền thông – Giáo dục, Chi cục Dân số & KHHGĐ thì công tác truyền thông vẫn được xác định là giải pháp quan trọng. Và để nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao nhất thì cần phải có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở. Ngoài kiến nghị được bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình dân số, thì về phía ngành dân số cũng xác định sẽ tăng cường khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện; đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động sự đóng góp, chung tay của cộng đồng và có hình thức khen thưởng, khuyến khích kịp thời các cá nhân, tập thể đạt thành tích để phát huy nhân rộng mô hình trong các cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top