Những người “tàn nhưng không phế”

10:25 - Thứ Bảy, 25/07/2020 Lượt xem: 6684 In bài viết

ĐBP - Những người khuyết tật dù khiếm khuyết cơ thể nhưng nhiều người trong số họ đã sống bằng tinh thần mạnh mẽ, lạc quan. Ðể động viên, cổ vũ người khuyết tật vượt qua những mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống và tỏa sáng giữa đời thường, cần lắm sự chung tay sẻ chia của cả xã hội.

Anh Lò Văn Piếng (đứng giữa) cùng đại diện nhà tài trợ trao dê giống cho hộ gia đình có người bị khuyết tật tại bản Noong, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng.

Thắp sáng niềm tin

Tuổi 18 - cái tuổi xuân sắc nhất, nhưng đối với Lò Văn Piếng, bản Ðông Mệt B, xã Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ) lại là một dấu mốc đầy biến cố khi phải đón nhận tin dữ bị mắc căn bệnh u xương và phải cắt bỏ một chân. Ðối với thanh niên đang ở tuổi thanh xuân tràn đầy hoài bão, bỗng dưng bị mất một phần thân thể và trở thành gánh nặng cho gia đình là sự hụt hẫng khó bù đắp. Nhiều lần muốn buông xuôi, nhưng được sự thương yêu, quan tâm chăm sóc của người thân, Piếng dần bình tâm và quyết đứng lên bằng việc tập đi với một bên chân giả.

Vì không muốn trở thành gánh nặng cho người thân, Piếng xin gia đình tiếp tục cho đi học. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên, Piếng xin dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở huyện Ðiện Biên Ðông. Gắn bó với công việc được hơn 4 năm Piếng phải thôi việc, ở nhà.

Cơ duyên đến với Piếng vào năm 2018, qua sự kết nối của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Piếng được nhận làm nhân viên điều phối của Ban Quản lý dự án chăm sóc mắt và thúc đẩy một cộng đồng hòa nhập tỉnh. Công việc chủ yếu của Piếng là đi khảo sát, hướng dẫn các gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn làm thủ tục để được nhận hỗ trợ sinh kế từ dự án. 2 năm qua, với một bên chân giả, Piếng vẫn lặn lội đến tận những thôn, bản xa xôi, khó khăn của các huyện Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng và Tuần Giáo để tìm hiểu về hoàn cảnh của những gia đình có người khuyết tật. Tận tình hướng dẫn họ làm đơn, hoàn thiện các thủ tục để được nhận hỗ trợ sinh kế. Hộ cận nghèo thì được hỗ trợ dê, lợn, những hộ khó khăn hơn thì được hỗ trợ trâu, bò. Nhẩm tính đến nay Piếng đã tham gia giúp gần 40 gia đình được nhận hỗ trợ sinh kế.

Sinh năm 1988 trong một gia đình thuần nông ở đội 3, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên), từ khi chào đời, Ngọc Văn Quỳnh đã không may mắn khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên Quỳnh chưa bao giờ nản lòng. Không được đi học như các bạn cùng trang lứa nhưng Quỳnh không than thân trách phận mà lấy đó làm động lực để tự rèn luyện bản thân. Năm 10 tuổi, đến học tại Trường Nguyễn Ðình Chiểu, Quỳnh biết nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh với mình và họ đang từng ngày vượt qua những khó khăn, thử thách của số phận. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Quỳnh đã đăng ký và thi đỗ vào Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Ðại học Mở. Vì điều kiện gia đình khó khăn nên ngoài giờ học, Quỳnh phải đi làm thêm ở Cơ sở xoa bóp, bấm huyệt Trường Nguyễn Ðình Chiểu để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Năm 2016, với tấm bằng cử nhân Quản trị kinh doanh, Quỳnh trở về quê với hi vọng tìm được công việc phù hợp. Song ước muốn ấy đã không thành hiện thực bởi những trở ngại của một người khiếm thị. Không nản chí, với nghề tẩm quất đã được học, Quỳnh vay mượn gia đình, người thân mở cơ sở tẩm quất người mù, xoa bóp - bấm huyệt - cạo gió - giác hơi tại phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Ðến nay, đã hơn 4 năm cơ sở của anh hoạt động ổn định với 4 nhân viên đều là người khiếm thị.

Chia sẻ với chúng tôi về những dự định trong tương lai, Ngọc Văn Quỳnh bộc bạch: Cuộc sống đã không lấy đi hết của tôi mọi thứ, cũng như bao người khác, tôi đã có một mái ấm hạnh phúc bên người vợ hiền và cô con gái 3 tuổi. Giờ đây, khi công việc, cuộc sống gia đình đã ổn định, tôi lại có những dự định mới cho mình và ước mơ mở rộng cơ sở để tạo thêm nhiều việc làm hơn cho những người đồng cảnh ngộ, giúp họ tự lập cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Cần sự quan tâm, sẻ chia

Ðể vươn lên trong cuộc sống, nhiều người khuyết tật đã tự đi học nghề và xin việc, với mong muốn có việc làm ổn định để lo cho bản thân và phụ giúp gia đình, nhưng không phải ai cũng thành công được như anh Quỳnh, anh Piếng. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 6.000 người khuyết tật. Trong số này chỉ khoảng gần 10% có hoạt động tạo thu nhập cho bản thân.  

Vốn có một công việc với thu nhập ổn định, nhưng sau một vụ tai nạn giao thông, anh Nguyễn Văn Tiến, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ đã bị khuyết tật ở chân và phải nghỉ việc. Không muốn là gánh nặng của gia đình, lại thấy bản thân mình vẫn có thể lao động nên anh Tiến đã xin học nghề tại một cơ sở mộc trên địa bàn thành phố. Sau 2 năm học nghề, anh đi tìm việc làm nhưng không nơi nào nhận. Anh Tiến chia sẻ: Hiện nay, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật quá khó khăn. Dù tôi đã đi đến nhiều nơi và các trung tâm giới thiệu việc làm để nhờ trợ giúp nhưng đến nay vẫn không có đơn vị nào nhận vào làm. Tôi cảm thấy tủi thân vì nhiều người vẫn chưa tin tưởng vào khả năng làm việc của người khuyết tật.

Bà Phạm Thị Vịnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, người mù tỉnh chia sẻ: Rất nhiều người khuyết tật cho rằng mình là người “tàn nhưng không phế”, họ không muốn mình trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội, nhưng lại gặp phải không ít rào cản trong tìm việc làm, tạo thu nhập. Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở dạy nghề, dạy chữ chính quy thuộc hệ thống của Nhà nước dành riêng cho người khuyết tật. Thêm vào đó, vẫn tồn tại những định kiến nhất định cản trở sự hòa nhập và đóng góp cho xã hội của người khuyết tật. Chưa có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn sàng với lao động là người khuyết tật... Bởi vậy, nhiều trường hợp người khuyết tật có khả năng lao động nhưng vẫn không có được việc làm để khẳng định bản thân.

 Ðể người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động nuôi sống bản thân và có cơ hội cống hiến cho xã hội, thiết nghĩ rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành chức năng và cộng đồng xã hội. Trong đó, có chính sách dạy nghề và tạo việc làm đối với người khuyết tật.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top