Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, khẩn trương tiến hành hoạt động cứu trợ

11:03 - Chủ Nhật, 18/10/2020 Lượt xem: 6051 In bài viết

Diễn biến nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở đất xảy ra trong đêm 17-10 tại Quảng Trị khiến hàng chục người bị vùi lấp. Toàn bộ lực lượng chức năng đang tiến hành tìm kiếm, triển khai cứu hộ cứu nạn khẩn trương nhất.

Hiện trường vụ sạt lở.

Vụ sạt lở núi kinh hoàng nghi vùi lấp 22 cán bộ, chiến sĩ

Sáng 18-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, trên địa bàn miền núi huyện Hướng Hóa vừa xảy ra một vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng. Khu vực sạt lở xảy ra được xác định ở địa bàn đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, nghi có 22 cán bộ chiến sĩ của đơn vị bị đất vùi lấp.

Dẫn thông tin từ Đại tá Nguyễn Xuân Hùng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Báo Quân đội nhân dân điện tử cho biết, vụ sạt lở xảy ra vào 1h25 ngày 18-10, có 5 đồng chí may mắn được cứu ra ngoài, hiện vẫn còn 22 đồng chí nghi bị vùi lấp. Được biết, trong số 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp, có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp, 8 chiến sĩ. Đây là những cán bộ chiến sĩ đã tham gia cứu hộ cứu nạn giúp dân suốt ngày 17-10, khi rút quân về nghỉ ngơi tại 3 căn nhà này thì tai nạn xảy ra.

Ngay trong đêm 18-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các ngành, để bàn phương án triển khai công tác ứng cứu khẩn cấp đối với các vùng bị ngập lụt và sạt lở đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chỉ đạo thành lập ngay Sở chỉ huy tiền phương tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng trực tiếp chỉ huy, cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, chỉ đạo xử lý các tình huống cần ứng cứu khẩn cấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam triệu tập và chỉ đạo đội ngũ y tế sẵn sàng để ứng cứu kịp thời những người gặp nạn.

Lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận hiện trường. Ảnh: L.C.

Ngay trong đêm 17-10 và rạng sáng 18-10, các lực lượng cứu hộ trên địa bàn tỉnh đã dồn toàn lực để ứng cứu những người đang bị mắc kẹt tại các khu vực ngập lụt, đặc biệt là các phường Đông Giang, Đông Thanh, thành phố Đông Hà, các vùng trũng thấp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài vụ việc trên, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở đất trên địa bàn thôn Tà Rung, xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Vụ sạt lở đã khiến 6 người trong gia đình ông Hồ Văn Phơi bị vùi lấp.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể 2 mẹ con bị vùi lấp, những thành viên khác trong gia đình vẫn đang được tìm kiếm.

Rạng sáng 18-10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi bản tin thông báo lũ khẩn cấp trên sông ở Quảng Bình và Quảng Trị. Đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Trong 6 giờ tới, lũ trên sông này có thể ghi nhận kỷ lục mới.

Lũ trên sông ở Quảng Trị bắt đầu lên cao từ sáng 17-10. Ảnh: Đài KTTV Trung Trung Bộ.

Quảng Bình: Khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, do lũ lên cao trong đêm 17-10 đã gây ngập lụt diện rộng. Nhiều trục đường chính ở huyện Quảng Ninh đã ngập khoảng 1,5m. Nhiều thôn bản ở vùng trũng ngập trên 2m. Những người dân trong vùng ngập nặng đã được di dời lên khu vực an toàn từ chiều 17-10.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho khẩn trương di dời các em học sinh ra khỏi vùng nguy hiểm.

Tại “rốn lũ” Tân Hóa, đến 16h ngày 17-10, toàn xã đã có trên 300 ngôi nhà ngập sâu, trong đó có nhiều ngôi nhà ngập từ 1,5 đến 2m, buộc các hộ dân phải dời lên nhà phao sinh sống.

Ở các xã biên giới Thượng Hóa, Sơn Hóa, Dân Hóa và Trọng Hóa, nước lũ dâng cao đã cô lập nhiều vùng dân cư. Trong khi đó, xã Trọng Hóa có 4 điểm ngầm trên con đường vào vùng Lòm ngập sâu, khiến 7 bản làng với 420 hộ dân bị chia cắt, cô lập. Tuyến đường vào các bản đã bị chia cắt nhiều đoạn bởi nước từ các khe suối dâng cao.

Đồn Biên phòng Ra Mai hỗ trợ lương thực đến đồng bào các bản bị cô lập. Ảnh: Báo Quảng Bình

Tại các điểm ngập, chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã lập rào chắn tạm thời ngăn không cho phương tiện qua lại và tuyên truyền cho bà con không đi xúc cá dọc khe suối để bảo đảm an toàn. Lực lượng chức năng đã phân công cán bộ bám địa bàn, vận động người dân tạm rời những ngôi nhà sàn lên nhà văn hóa cộng đồng và các trường học để trú ẩn cho an toàn.

Thừa Thiên - Huế: Quyết tâm triển khai mọi phương án tìm kiếm tại Thủy điện Rào Trăng 3

Từ chiều tối 16 đến sáng 17-10, tại Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 300 - 400mm, nước lũ trên sông Hương và sông Bồ đều vượt trên báo động 2, nhiều tuyến đường ở Huế và các huyện tái ngập lũ. Lũ tiếp tục dâng cao vào chiều tối 17-10, không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại của người dân nhiều địa phương tại Thừa Thiên - Huế, mà còn khiến công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 bị ngưng trệ. Nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang nỗ lực bám trụ, khắc phục khó khăn để thông đường tiến vào khu vực hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3. 

Thi thể công nhân thứ hai được đưa bằng đường thủy rời khỏi Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Báo Thừa Thiên - Huế.

Trước đó, do thời tiết mưa kéo dài, nên vào lúc 0h30 ngày 12-10, tại khu nhà điều hành thuộc Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền xảy ra tai nạn sạt lở đất. Đã có đoàn 40 công nhân và chuyên gia ở Thủy điện Rào Trăng 3 chuyển về Thủy điện Rào Trăng 4 an toàn sau sự cố vào ngày 13-10, 17 người mất liên lạc. Ngày 14-10, thi thể công nhân đầu tiên được tìm thấy và được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Bình Điền.

Ngày 16-10, thi thể công nhân thứ hai được phát hiện; ngày 17-10, lực lượng chức năng đã đưa thi thể này theo đường thủy về Bệnh viện Trung ương Huế giám định, xác định danh tính.

Trong một diễn biến khác, tang lễ 13 liệt sĩ hy sinh khi cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, được tổ chức tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, thành phố Huế) vào hôm nay. Lễ viếng bắt đầu từ 7h đến 11h; lễ truy điệu và đưa tang từ 11h đến 12h cùng ngày. Sáng 18-10, mặc dù Huế vẫn còn lũ lớn, nhưng ngay từ sớm, tại khu tổ chức tang lễ 13 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng, hàng trăm người dân, đại biểu đã về dự lễ viếng. Được biết, 11 quân nhân hy sinh sẽ tổ chức theo nghi thức lễ tang quân đội, 2 cán bộ của tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ tang theo quy định của địa phương.

Trước đó, vào chiều 16-10, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1594/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hy sinh ngày 13-10-2020, khi thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Quảng Nam: Mưa lũ làm sạt lở hơn 400m bờ biển Thịnh Mỹ

Do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 6-10 đến nay, trên khu vực biển thuộc địa bàn thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) xuất hiện sóng to, gió lớn, nhiều đợt triều cường cao hơn 4 - 5m liên tục đánh vào bờ đã làm sạt lở nhiều đoạn bờ biển, gãy đổ nhiều cây xanh, sập đổ nhiều công trình nhà nước và tư nhân ven bờ. Trong đó, nặng nhất là sạt lở ở khu vực bãi biển Thịnh Mỹ, thuộc địa bàn phường Cẩm An.

Sáng ngày 17-10 tại bãi biển Thịnh Mỹ, thuộc địa bàn phường Cẩm An, thành phố Hội An, các con sóng lớn, nhỏ cao từ 2 - 5m liên tục đánh vào bờ, xâm thực sâu vào đất liền ước khoảng gần 30m một đoạn dài bờ biển, hàng loạt công trình chòi ngắm biển, bậc tam cấp, kè chắn sóng và cây xanh bị gãy, đổ ngổn ngang; hầu hết các resort, nhà hàng, khách sạn tại đây đều đã phải tạm đóng cửa để bảo đảm an toàn cho du khách.

Quảng Nam: Mưa lũ làm sạt lở hơn 400m bờ biển Thịnh Mỹ.

Trước tình trạng bờ biển bị sạt lở, để bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách, UBND phường Cẩm An đã huy động lực lượng tổ chức thông báo trên loa, đặt biển báo, giăng dây nghiêm cấm mọi người tắm và các hoạt động khác tại khu vực bị sạt lở. Khu vực này trước đây cũng đã có sạt lở một vài điểm nhỏ và đang được UBND thành phố chuẩn bị tập trung phương tiện, vật tư, nguyên liệu để làm kè thì xảy ra mưa lũ nên tạm thời bị gián đoạn. Dự kiến, khi đợt mưa lũ này kết thúc, thành phố Hội An sẽ khẩn trương xây dựng bờ kè tại khu vực này.

Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở

Dự báo 6h đến 12h ngày 18-10, các tỉnh, thành từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa 40-100mm có nơi trên 200mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ nên từ ngày 18 đến 21-10 ở Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to.

Tổng lượng mưa từ ngày 18-10 đến ngày 21-10 ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400-600mm, có nơi trên 700mm; ở Nghệ An, Thừa Thiên - Huế phổ biến 200-350mm, có nơi trên 400mm. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 150-250mm, có nơi trên 300mm; từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 80-150mm, có nơi trên 150mm.

Khẩn trương tiến hành các hoạt động cứu trợ

Những ngày qua, nhân dân cả nước đều hướng về dải đất miền Trung, Tây Nguyên với sự sẻ chia sâu sắc khi chứng kiến những cơn mưa trắng trời, những cơn lũ chồng lũ đổ ập xuống cuộc sống của người dân.

 

Người dân vùng lũ Thừa Thiên - Huế được giúp đỡ và nhận quà hỗ trợ.

Tối 17-10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan có liên quan tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự chương trình và nhân dân cả nước cùng chung tay hỗ trợ đồng bào miền Trung.

Thông tin từ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những ngày qua đã liên tục tiếp nhận những đóng góp, hỗ trợ quý báu từ nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân như Tập đoàn Ecopark trao số tiền 5 tỷ đồng; Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ doanh nhân trẻ Sao Đỏ ủng hộ đồng bào miền Trung, Tây Nguyên 5 tỷ đồng...

Người dân rốn lũ Hải Lăng (Quảng Trị) nhận hàng cứu trợ. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trên quốc lộ 1 cũng như các tuyến đường tỉnh lộ, dù nước lũ mấp mé tràn bờ, trời mưa lớn, nhiều xe tải với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Đường về miền Trung”, “Thương về miền Trung”…  đang nối đuôi tỏa về các vùng rốn lũ, mang theo lương thực cùng các nhu yếu phẩm nhằm hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua khó khăn. Xúc động không kém là trên mạng xã hội, từ những người nổi tiếng cho đến những người có tấm lòng hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đều đang nỗ lực kêu gọi sự chung tay đóng góp và tình cảm thương yêu, sự sẻ chia ấm áp hướng về người dân vùng lũ miền Trung. 

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top