Giúp thanh niên từng lầm lỡ hoàn lương, hướng thiện

09:14 - Thứ Tư, 28/10/2020 Lượt xem: 5860 In bài viết

ĐBP - Truyền thông phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng là những hoạt động được Huyện đoàn Ðiện Biên quan tâm thực hiện trong những năm qua. Qua đó định hướng con đường thiện, chia sẻ, động viên những thanh niên từng lầm lỗi làm lại cuộc đời.

Ðoàn Thanh niên xã, bản cùng công an xã Thanh Chăn thăm, động viên anh Quàng Văn Ngôn (ngoài cùng bên trái).

Anh Quàng Văn Ngôn (bản Na Khưa, xã Thanh Chăn) luôn tay luôn chân cắt cỏ cho trâu, cho cá ăn, chăm gà, chăm ngan, cuốc đất trồng cây… bận rộn cả ngày. Một mình anh làm lụng, trông nom trang trại nhỏ với hơn 1.000m2 ao cá, hơn 100 con gà, 250 con ngan, vài con trâu với hơn 500m2 trồng cỏ voi, và khoảng 20 gốc bưởi mới ươm trồng… Ðây không phải cơ ngơi riêng của anh Ngôn mà làm chung cùng anh chị của anh theo hình thức anh chị bỏ vốn, anh Ngôn bỏ công, lợi nhuận chia. Ðó là sự giúp đỡ, tạo công ăn việc làm để anh Ngôn tránh xa ma túy sau khi cai nghiện thành công. Anh Ngôn từng có 6 năm mê muội trong ma túy, bỏ bê làm ăn, khiến gia đình lao đao, nghèo khó. Năm 2018 anh cai nghiện thành công, làm lại cuộc đời nhưng gia đình khánh kiệt chẳng biết bắt đầu từ đâu. Lúc này, cùng với gia đình, người thân, Chi đoàn bản, Ðoàn xã thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, động viên để anh Ngôn không nản chí, buông bỏ, lạc lối. Ban đầu anh đi xây dựng thuê, từ đầu năm 2020 được gia đình anh chị tạo điều kiện làm công việc gần nhà. Những lứa gà, ngan thịt đầu tiên đã được xuất chuồng, mẻ cá rô phi cũng sắp đến ngày cất lưới. Cùng với đó, được tư vấn từ Ðoàn xã và tự học hỏi, đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt trong thời gian qua, anh Ngôn đang nung nấu ý định làm mô hình kinh tế của riêng mình. Anh Ngôn chia sẻ: “Tôi đang tìm hiểu từ Ðoàn xã về chính sách vay vốn để đầu tư chăn nuôi. Gia đình tôi có diện tích đất trống có thể chăn nuôi trâu, bò và trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn. Bây giờ tôi chỉ nghĩ đến việc làm kinh tế thế nào để bù đắp thời gian lạc lối của mình, không bao giờ dính đến ma túy nữa”.

Anh Vì Duy Thành, Bí thư Ðoàn xã Thanh Chăn cho biết: Thanh niên sau khi cải tạo, cai nghiện trở về địa phương đều được chi đoàn thôn, bản, đoàn xã thăm hỏi, động viên để họ không cảm thấy bị kỳ thị, xa lánh mà đi vào con đường sai trái một lần nữa. Ðồng thời chia sẻ, khích lệ họ chịu khó lao động, sản xuất, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho đoàn viên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm. Ngoài ra Ðoàn xã cũng phối hợp với phòng PC04 (Công an tỉnh) thành lập mô hình Tổ Tuyên truyền phòng, chống ma túy xã Thanh Chăn. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật cho trên 200 lượt người. Qua đó góp phần làm giảm tỷ lệ người nghiện ma túy trong diện quản lý trên địa bàn từ 116 người (năm 2016) xuống còn 71 người (năm 2020).

Không riêng Thanh Chăn mà nhìn chung tại huyện Ðiện Biên, tình hình tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt có chiều hướng gia tăng, trẻ hóa ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên ngày càng trở nên cấp thiết. Từ đầu năm đến nay, Ðội Thanh niên truyền thông phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người năm 2020 của Huyện đoàn đã tổ chức 5 buổi tuyên truyền đến hơn 1.000 đoàn viên và nhân dân. Ðội cũng chủ động phối hợp phát động phong trào “3 không với ma túy” trong thanh thiếu niên (không thử, không giữ, không sử dụng ma túy); chỉ đạo các đoàn cơ sở xây dựng mô hình “Hòm thư tố giác”, hoạt động “Tìm địa chỉ đen” để vận động đoàn viên, thanh niên tham gia phát hiện, tố giác tội phạm về tệ nan ma túy. Ðồng thời vận động đoàn viên thanh niên và người dân tham gia các hoạt phòng chống ma túy, bài trừ tệ nạn xã hội, 100% gia đình đăng ký tham gia không có người mắc tệ nạn xã hội. Trong đó Ðoàn xã Thanh Luông, Thanh An, Mường Pồn cảm hóa, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng cho 5 thanh niên; xã Thanh Chăn đã tổ chức giáo dục và giúp đỡ 9 trường hợp là thanh thiếu niên chậm tiến.

Qua các công tác phối hợp, định kỳ ban giám thị các trại giam và trại tạm giam trên địa bàn cung cấp cho Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Ðiện Biên danh sách phạm nhân độ tuổi thanh niên đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để tổ chức hội biết, theo dõi và chỉ đạo các cấp hội có biện pháp giúp đỡ. 5 năm qua (2016 - 2020), các cấp hội liên hiệp thanh niên trên địa bàn đã cảm hóa 64 thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương, chấp hành xong án phạt tù và xây dựng 11 mô hình hỗ trợ thanh niên chậm tiến với 21 thanh niên hoàn lương được hỗ trợ. Ðược biết, hiện tại mỗi đoàn, hội thanh niên cấp xã triển khai tối thiểu 1 mô hình hỗ trợ thanh niên chậm tiến. Anh Lê Ngọc Hoàn, Phó Bí thư Phụ trách Huyện đoàn cho biết: Do nguồn lực tài chính hạn chế nên hầu hết các tổ chức đoàn giúp các thanh niên hoàn thành cải tạo, cai nghiện bằng cách đến thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để giúp đỡ, tư vấn, chia sẻ cách làm kinh tế, hỗ trợ vay vốn; đồng thời vận động họ tham gia các hoạt động đoàn để có môi trường tốt học hỏi, trưởng thành, không mặc cảm về bản thân, hòa nhập cộng đồng và tránh xa tệ nạn xã hội. Qua đó góp phần phòng chống và giảm thiểu các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top