Vai trò lực lượng dân phòng trong PCCC

11:35 - Chủ Nhật, 06/12/2020 Lượt xem: 7043 In bài viết

ĐBP - Là một trong bốn lực lượng nòng cốt của hoạt động phòng cháy, chữa cháy (PCCC), mỗi khi xảy ra cháy nổ, lực lượng dân phòng (LLDP) có mặt đầu tiên ở hiện trường, trực tiếp tham gia giải quyết các tình huống từ khi mới phát sinh, trước khi lực lượng cảnh sát PCCC có mặt ứng cứu. Giữ vai trò quan trọng nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh ta, hoạt động của lực lượng này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả bởi chưa được quan tâm đúng mức.

Lực lượng dân phòng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ tham gia lớp tập huấn công tác PCCC.

Ðầu năm 2020, LLDP tại các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đã được kiện toàn lại với tổng số 1.809 đội dân phòng, gồm 1.809 đội trưởng, 1.842 đội phó và 21.023 đội viên.

Theo Thông tư số 56/2014/TT-BCA của Bộ Công an về trang bị phương tiện PCCC cho LLDP, mỗi đội dân phòng sẽ được trang bị: Khóa mở trụ nước (trang bị cho địa bàn có trụ cấp nước chữa cháy đô thị); bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg; bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg; khẩu trang lọc độc; quần áo chữa cháy; găng tay chữa cháy; ủng chữa cháy; đèn pin chuyên dụng; câu liêm, bồ cào; dây cứu người; hộp sơ cứu (kèm theo các dụng cụ cứu thương); thang chữa cháy; loa pin; mũ chữa cháy.

Quy định là vậy, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh ta chưa có đội dân phòng nào được trang bị các phương tiện PCCC kể trên. Ông Bùi Thanh Phao, Ðội trưởng Ðội Dân phòng tổ dân phố 9, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Ðội có 10 thành viên gồm: Bí thư chi bộ, trưởng phố, trưởng các đoàn thể, bảo vệ tổ dân phố. Mặc dù được thành lập đã nhiều năm nhưng đến nay đội vẫn chưa được trang bị phương tiện PCCC, kể cả phương tiện thiết yếu nhất là bình chữa cháy cũng không có. Có vai trò là lực lượng trực tiếp giải quyết các tình huống cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), nhưng đội mới chỉ đáp ứng được 2 điều kiện là lực lượng tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. 

Mặt khác, tại Nghị định 79/2014/NÐ-CP có nêu rõ: Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HÐND cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng nhưng không thấp hơn 25% lương cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hơn 1.800 đội trưởng và 1.842 đội phó đội dân phòng trên địa bàn tỉnh ta từ nhiều năm nay tham gia vào đội dân phòng trên tinh thần tự nguyện chứ chưa được hưởng hỗ trợ. Chính vì vậy nên chưa phát huy được hết trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia công tác phòng cháy. Thậm chí, ở nhiều địa bàn, việc vận động người trẻ tuổi tham gia vào LLDP rất khó khăn nên đội dân phòng toàn người lớn tuổi, sức khỏe có hạn, thao tác chậm.

Hoạt động của các đội dân phòng còn hạn chế kéo theo công tác PCCC ở nhiều thôn, bản, tổ dân phố… chưa hiệu quả. Hầu hết hoạt động của LLDP mới dừng ở việc tham mưu chính quyền cơ sở triển khai các biện pháp, giải pháp về đảm bảo an toàn PCCC tại các thôn, bản, tổ dân phố; tham gia tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp PCCC. Còn khi xảy ra cháy nổ, hầu hết LLDP chưa đáp ứng được yêu cầu về xử lý. Ðơn cử như vụ cháy nhà dân tại bản Pa Pốm, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ) vào cuối tháng 2/2020. Anh Hạng A Mua, đội dân phòng bản Pa Pốm cho biết: Sau khi phát hiện đám cháy, LLDP cùng nhiều người dân trong bản đã đến ứng cứu. Tuy nhiên, do không có phương tiện, thiết bị chữa cháy nên chúng tôi không thể dập lửa. Hậu quả là ngôi nhà và nhiều tài sản, như: Ti vi, thóc, xe máy... đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị được hỗ trợ thiết bị PCCC để phục vụ cho công tác PCCC trên địa bàn nhưng đến nay vẫn chưa được trang bị.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy. Trong đó 9 vụ cháy nhà xảy ra tại khu dân cư đã gây thiệt hại trên 3,2 tỷ đồng. Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát CNPCCC&CH, Công an tỉnh cho biết: Hầu hết các vụ cháy nhà dân đều gây thiệt hại 100% tài sản. Nguyên nhân là bởi công tác giải quyết các tình huống cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh chưa hiệu quả, chưa kịp thời. Nhiều vụ cháy LLDP không có phương tiện, thiết bị chữa cháy, không có trang phục chữa cháy chuyên dụng nên không thể “tay không dập lửa”, chỉ có thể “hô hào” mọi người chữa cháy thủ công bằng các phương tiện thô sơ như dùng chăn, chiếu ướt phủ lên hoặc lấy xô, chậu múc nước hắt vào đám cháy. Khi lực lượng cảnh sát PCCC đến nơi thì lửa đã cháy lớn. 

Trong PCCC, ý thức phòng cháy của người dân, lực lượng chữa cháy nhanh, hiệu quả là 2 yếu tố quyết định. Dân phòng là lực lượng nòng cốt “tại chỗ” song hoạt động còn bất cập, hiệu quả không cao. Ðể phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của LLDP, cùng với việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng thì cần có chế độ, chính sách hỗ trợ và trang bị phương tiện để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra cháy tại cơ sở.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top