Nắng ấm Co Pục

10:36 - Thứ Tư, 30/12/2020 Lượt xem: 8258 In bài viết

ĐBP - Tựa lưng vào sườn đồi đang bung nở rực rỡ sắc hoa dã quỳ, bản Co Pục, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) cũng “bừng sáng”, ấm áp như màu hoa dại ấy trong tiết trời đông. “Bừng sáng” bởi người Khơ Mú ở Co Pục nay đã đổi thay cả về nhận thức, tinh thần vươn lên, tiếp cận khoa học kỹ thuật và có cuộc sống đủ đầy hơn.

Ðường nội bản Co Pục được bê tông hóa sạch đẹp.

UBND huyện Ðiện Biên vừa ban hành quyết định phê duyệt diện tích và kinh phí hỗ trợ khai hoang đất trồng lúa trên địa bàn xã Hua Thanh, trong đó bản Co Pục có hơn 8.600m2. Ðây là diện tích người dân Co Pục khai hoang, phục hóa, cải tạo từ năm 2018 đến nay. Khai hoang ruộng nước, mở rộng diện tích sản xuất đã trở thành phong trào của bản từ năm 2012. Mỗi khi suối Nậm Có đổi dòng chảy, các hộ dân liền bắt tay vào dọn đá, san phẳng, đắp bờ làm ruộng tại các vị trí lòng suối cũ lắng đọng phù sa. Những người tiên phong khai hoang đầu tiên giờ đều là cán bộ chủ chốt của bản, như ông Quàng Văn Dũng (hiện là Trưởng bản), Quàng Văn Nhí (Bí thư Chi bộ), Quàng Văn Dưn (y tá bản)… Ông Quàng Văn Dũng kể lại: “Năm 2012, sau khi suối Nậm Có đổi dòng chảy, tôi cùng một số gia đình khác tự tay khai hoang ruộng. Khi ấy lòng suối cũ có rất nhiều đá tảng to bằng cái can nước 20 lít, một mình tôi di chuyển đá và tạo ruộng ròng rã gần một tháng mới xong được vài trăm mét. Từ đó cả bản tích cực khai hoang ruộng bên các khe suối và lòng suối cũ. Chỗ nào có thể lấy nước vào làm ruộng đều cố gắng khai phá. Nhờ đó đến nay cả bản có tổng hơn 10ha ruộng, trong đó có 4ha ruộng khai hoang. Ngoài ra còn có khoảng 10ha lúa nương, hơn 28ha sắn, ngô trồng trên nương”.

Ðến nay, diện tích có thể khai hoang đã ngày càng ít đi, thế hệ kế tiếp như gia đình anh Quàng Văn Chung không có ruộng mới nên càng trân trọng “tấc đất tấc vàng”. Gia đình anh Chung có mảnh ruộng tại cánh đồng Na Có, nằm bên bờ suối, bị sạt lở mất đất. Sau một vài năm, bờ suối được bồi lại, vợ chồng anh đi xúc đá sỏi, lọc bớt cát, phục hóa được hơn 200m2 ruộng tại vị trí cũ. Anh Chung chia sẻ: “Cả nhà tôi có hơn 600m2 ruộng thôi, trong đó hơn 200m2 mới phục hóa năng suất chưa cao do chân ruộng nhiều cát, ít đất màu. Vì đất sản xuất ít nên mỗi mét vuông ruộng đều rất quý”.

Mặc dù gần quốc lộ 12 và cách không xa TP. Ðiện Biên Phủ nhưng từ năm 2012 trở về trước, Co Pục “nổi tiếng” với cái nghèo, là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã, nhà cửa hầu hết là tranh tre, cũ kĩ. Có lẽ bởi vậy, cộng đồng 100% dân tộc Khơ Mú nơi đây từng bị cho là không chăm chỉ làm ăn. Nhưng phần nào nhìn vào nỗ lực khai hoang, phục hóa, cải tạo ruộng của Co Pục thì đánh giá đó không đúng, mà có lẽ cái nghèo đeo bám người dân bởi họ còn hạn chế trong tiếp thu tri thức, tiếp cận khoa học kỹ thuật. Năm 2012 là năm đánh dấu những đổi thay đầu tiên của Co Pục không chỉ bởi phong trào khai hoang ruộng nước mà còn bởi là năm có nhiều hộ dân được bồi thường, giải tỏa dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Khẩu Hú. Từ đó, nhiều ngôi nhà sàn kiên cố mọc lên. Một số hộ đầu tư đào ao thả cá, mua cây, con giống. Nhà nhà đua nhau vươn lên làm kinh tế. Hộ nghèo thì mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trâu, bò sinh sản. Nhận thức người dân ngày một nâng lên. Ðặc biệt năm 2018, Co Pục là bản tiên phong của xã Hua Thanh làm đường nông thôn mới theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Cả bản hiến tổng 300m2 đất để mở rộng đường và góp gần 800 ngày công trong suốt 3 tháng để hoàn thành tuyến đường nội bản gần 3km, trục chính rộng 4m, các tuyến nhánh rộng 2,5m.

2020 là năm trong bản lại có thêm những điều mới, những thành quả tích cực. Ðó là năm đầu tiên người dân trồng cây vụ đông. Cả bản có 17 hộ tham gia mô hình ngô nếp vụ đông với 16.000m2 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ðiện Biên phối hợp với UBND xã Hua Thanh triển khai. Cũng là năm gần 20 gia đình với 4ha ruộng thành công thử nghiệm mô hình lúa nếp 86, đạt năng suất 68 tạ/ha. Trong năm, 23 hộ nghèo và cận nghèo của bản hoàn thành xây dựng, được giải ngân hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Ông Quàng Văn Dũng, Trưởng bản cho biết thêm: “Năm nay có nhiều điều mới, cả bản phấn khởi lắm. Ðặc biệt năng suất lúa của các hộ trong bản năm sau cao hơn năm trước. Ngoài mô hình lúa nếp thì năng suất chung của vụ mùa vừa rồi đạt 58 tạ/ha. Năm ngoái, năm kia chỉ đạt 40 - 50 tạ/ha. Mô hình ngô hiện đang phát triển tốt, nếu vụ này có hiệu quả thì từ những năm sau Co Pục sẽ mở rộng diện tích cây vụ đông lên 2 - 3ha”.

Với tinh thần vươn lên đó, qua rà soát mới đây, Co Pục còn 16/72 hộ nghèo, giảm 8 hộ so với năm 2019. Trên 70% gia đình có nhà kiên cố, khang trang. Vẫn còn một số hộ nghèo sống trong nhà tạm, nhưng ban lãnh đạo bản chia sẻ, đây hầu hết là hộ trẻ mới chia tách, nhiều hộ đã chuẩn bị đầy đủ gỗ, sang năm là dựng nhà mới. Chủ tịch UBND xã Hua Thanh Thào Mạnh Hùng cũng nhận xét: “Cả về nhận thức và chất lượng cuộc sống của người dân Co Pục đều đã thay đổi, nâng lên. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng khoa học, hiện đại; quan tâm đưa nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất vào bản, nhân rộng những mô hình canh tác hiệu quả. Phấn đấu nâng cao đời sống nhân dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo”.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top