Góc nhìn – Tiêu điểm

Quan trọng là ý thức, trách nhiệm

09:15 - Thứ Năm, 14/01/2021 Lượt xem: 6023 In bài viết

ĐBP - Khoảng chục ngày qua, không khí lạnh tăng cường đã gây rét đậm rét hại trên địa bàn tỉnh. Mưa rét đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là làm chết gia súc. Theo tổng hợp nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến thời điểm này, tình trạng trâu bò chết rét đã xuất hiện tại các địa bàn: TP. Ðiện Biên Phủ, Tuần Giáo và Tủa Chùa. Theo dự báo, số lượng gia súc chết rét sẽ còn tiếp tục tăng trong một vài ngày tới khi các địa phương hoàn thành việc rà soát, thống kê.

Nhận định này của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là hoàn toàn xác đáng, bởi thực tế năm nào tỉnh ta cũng có thiệt hại về trâu bò chết rét. Ðiển hình như năm 2016 - 2017, toàn tỉnh bị chết hàng trăm con trâu bò, nhiều hộ gia đình cả đàn trâu 4 - 5 con đều bị chết vì rét.

Nhìn nhận thẳng thắn thì nguyên nhân không hẳn là do người chăn nuôi thiếu kinh nghiệm và kiến thức về phòng chống đói rét cho gia súc. Về kinh nghiệm, là tỉnh thuần nông, hoạt động sản xuất truyền đời của nhiều nông dân đều gắn bó với con trâu, con bò nên không thể nói thiếu kinh nghiệm chăn nuôi. Về kiến thức, ngay từ đầu mùa đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ra nhiều văn bản chỉ đạo đến các địa phương về công tác phòng, chống đói rét cho gia súc. Phòng chuyên môn các huyện cũng chỉ đạo cấp xã, cấp xã chỉ đạo xuống từng thôn, bản, hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình đều tăng cường mật độ tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc trước diễn biến phức tạp của thời tiết. Ðài Khí tượng và thủy văn tỉnh thường xuyên đưa ra các dự báo, cảnh báo về tình hình thời tiết để người dân chủ động các phương án đối phó. Như vậy, nếu đổ lỗi cho việc thiếu kinh nghiệm và kiến thức là nguyên nhân trâu bò bị chết rét là không thỏa đáng.

Vậy thiếu sót là gì? Chính là sự thiếu ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với tài sản của mình.

Qua các cuộc kiểm tra của cơ quan chuyên môn về tình hình thực hiện phòng chống đói rét cho gia súc trên địa bàn cho thấy, ý thức chấp hành của người dân rất hạn chế, nhiều người rất thờ ơ với những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 10oC, nhiều hộ dân vẫn thả trâu bò trên rừng; không dựng hoặc quây kín chuồng trại; không thực hiện các biện pháp sưởi ấm cho vật nuôi, chưa chuẩn bị lượng thức ăn cho gia súc trong thời gian tránh rét… Do ý thức chủ quan của con người, vật nuôi phải cầm cự giá rét trong tình trạng bị động và những con không đủ sức khỏe, già yếu hoặc con non sẽ chết.

Người dân bị thiệt hại do thiên tai, chính quyền địa phương lại phải xuất kinh phí dự phòng để hỗ trợ. Thực tế cho thấy rằng, khi nhận tiền hỗ trợ, người chăn nuôi cũng không vui vẻ gì, bởi số tiền hỗ trợ so với giá trị của tài sản đã mất còn hạn chế. Lúc này xót xa thì cũng đã muộn.

Như vậy, việc thiếu ý thức trong chăn nuôi của không ít người dân đã và đang phải trả giá đắt: Người chăn nuôi mất tài sản, tổng đàn gia súc của địa phương giảm; ngân sách tốn một phần kinh phí hỗ trợ thiệt hại… Ðã có nhiều bài học nhãn tiền nhưng nhiều người vẫn “thờ ơ” với “cơ nghiệp” của mình như vậy.

Nên chăng, trong công tác phòng chống đói rét cho gia súc, cần có chế tài xử lý, kiên quyết cắt nguồn hỗ trợ thiệt hại nếu hộ chăn nuôi thờ ơ, thiếu ý thức, không thực hiện đúng quy định.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top