Hạnh phúc là sẻ chia

17:35 - Thứ Sáu, 29/01/2021 Lượt xem: 4248 In bài viết

ĐBP - Trải qua năm 2020 với nhiều biến động, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hoành hành; miền Trung đối mặt với đợt thiên tai, mưa lũ gây ra thiệt hại chưa từng có về người, tài sản. Ðối với tỉnh ta, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch (thuộc nhóm tỉnh có nguy cơ thấp lây lan, bùng phát Covid-19), thời tiết cũng cơ bản thuận lợi nhưng “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, nhằm chống lại dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai nên dù mặt bằng chung về kinh tế - xã hội của Ðiện Biên còn nhiều khó khăn nhưng đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân mở rộng tấm lòng, hướng về đồng bào bị thiên tai, ủng hộ bằng cả tấm lòng; chung sức, đồng lòng cùng các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Covid-19.

Viettel Ðiện Biên đồng hành với hoạt động nhân đạo từ thiện

Thượng Tá Vi Tiến Cường, Giám đốc Viettel Ðiện Biên trao học bổng trong Chương trình “Vì em hiếu học” cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Thượng tá Vi Tiến Cường, Giám đốc Viettel Ðiện Biên cho biết: Cùng với việc thường xuyên tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh với số tiền hàng chục triệu đồng, hàng năm Viettel Ðiện Biên cũng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện hết sức ý nghĩa như: Tặng quà cho đoàn viên lao động, hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở; tặng quà, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập; tổ chức trung thu cho trẻ em nghèo... Trong năm 2020, đơn vị đã trao tặng khoảng 300 suất quà cho hộ nghèo, hơn 1.000 suất học bổng, 1.632 hộp sữa cho học sinh các xã trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 1 nhà ở cho hộ nghèo của xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) với trị giá 90 triệu đồng; thay hoa, lọ hoa tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên với tổng kinh phí gần 130 triệu đồng. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, Viettel Ðiện Biên đã hỗ trợ biển bảng truyền thông tại bệnh viện dã chiến của tỉnh; đảm bảo cầu truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến huyện để Chính phủ, Bộ Y tế triển khai công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ 15 triệu đồng để tỉnh có thêm kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Tiếp tục chung tay cùng đảng bộ, chính quyền các cấp trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Viettel Ðiện Biên sẽ tập trung huy động các nguồn lực để tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo.

Ðức Linh

Tự nguyện dấn thân tuyến đầu chống dịch

Bác sĩ Vì Thị Sơn, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) chia sẻ: Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát lượng công việc tăng đột biến, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, thậm chí bị người xung quanh xa lánh. Nhưng những y, bác sĩ như chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt công việc của mình.

Bác sĩ Vì Thị Sơn làm việc trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Ngay từ khi bước chân vào nghề, tôi và các đồng nghiệp đã xác định sẽ có nhiều khó khăn, nguy hiểm, vì nguy cơ phơi nhiễm cao khi xét nghiệm những mẫu bệnh phẩm có nguy cơ truyền nhiễm cao như SARS-CoV-2. Mặc dù đã có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và thực hiện đảm bảo quy trình sinh học, nhưng không phải cái gì cũng tối ưu 100%. Làm việc liên tục trong bộ đồ chống dịch cũng khá mệt. Trước đây, tôi tan làm lúc 17 giờ, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hôm hơn 23 giờ mới bắt đầu về. Vì những mẫu bệnh phẩm có yếu tố dịch tễ cao yêu cầu phải cho kết quả sớm nhất có thể. Nhiều hôm chuẩn bị tan làm thì mẫu bệnh phẩm chuyển đến, vậy là mấy chị em lại phải làm đến khuya. Trung bình xét nghiệm 1 mẫu bệnh phẩm mất 4 - 5 giờ mới cho kết quả. Cao điểm có ngày khoa tiếp nhận gần 300 mẫu bệnh phẩm. Từ khi được Bộ Y tế cho phép khẳng định kết quả xét nghiệm tại tỉnh (18/5/2020) đến nay, đơn vị đã xét nghiệm được 8.417 mẫu bệnh phẩm (100% mẫu cho kết quả âm tính).

Tuấn Anh

Kết nối yêu thương, chia sẻ khó khăn

Trong năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Tủa Chùa đã làm tốt công tác kết nối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm ở trong và ngoài tỉnh để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho trường hợp bị thiên tai, hỏa hoạn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, hộ nghèo tại các xã trên địa bàn. Chị Lê Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tủa Chùa chia sẻ: Trong năm 2020, Quỹ nhân đạo của huyện đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ gần 290 triệu đồng.

Chị Lê Thị Xuân tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa.

Trong quá trình hoạt động, Hội vận động được một số cá nhân tích cực tham gia hoạt động từ thiện thành lập nhóm mang tên “Kết nối yêu thương” để tổ chức các hoạt động trợ giúp, chia sẻ khó khăn với những số phận kém may mắn. Ðến nay, nhóm đã có 12 thành viên thường xuyên xuống các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong huyện, gặp gỡ, quay video về cuộc sống khó khăn của những đối tượng cần hỗ trợ để kêu gọi mọi người giúp đỡ, ủng hộ...

Những nguồn lực vận động đã giúp Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức kịp thời các hoạt động cứu trợ nhân đạo, như: Tặng quà các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ làm nhà chữ thập đỏ; hỗ trợ các hộ gia đình bị thiên tai; tặng học bổng, quà cho trẻ em nghèo; khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân; hỗ trợ trẻ em bị khuyết tật đi phẫu thuật...

Huyền Lâm

Chiến sĩ Ðiện Biên trích lương hưu ủng hộ miền Trung

Ông Bùi Văn Ðáp, 94 tuổi, là lính quân y đường hầm tại chiến trường Ðiện Biên Phủ, hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 7, phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Với tinh thần bộ đội cụ Hồ, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, ở tuổi 94, khi biết tin đồng bào miền Trung và Tây Nguyên chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, thiên tai tháng 10 vừa qua, ông Ðáp đã trích 2 triệu đồng tiền lương hưu của mình để sẻ chia, ủng hộ miền Trung vượt qua khó khăn. Vì sức khỏe yếu, đi lại không thuận tiện, ông Ðáp liên hệ với Tổ trưởng tổ dân phố gửi tiền quyên góp, cùng các cá nhân, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh hướng về miền Trung bằng sự san sẻ ý nghĩa, thiết thực.

Cụ Bùi Văn Ðáp cùng con gái viếng mộ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

Ông Bùi Văn Ðáp chia sẻ: “Ðợt mưa lũ liên tục ấy, tôi xem tivi thông tin hàng ngày về tình hình và thiệt hại ở miền Trung. Con cháu về cũng kể có các điểm tiếp nhận ủng hộ miền Trung tại địa bàn thành phố. Thương và sốt ruột lắm, muốn tham gia gom góp gì đó ủng hộ đồng bào trong ấy. Sau đó tôi biết mặt trận Tổ quốc các cấp kêu gọi phát động ủng hộ miền Trung, Tây Nguyên thì tôi nhờ con cháu liên hệ luôn với lãnh đạo tổ dân phố để ủng hộ 2 triệu theo kênh của mặt trận Tổ quốc”.

Trước đó, ông Ðáp cũng đã ủng hộ 1 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bảo Anh

Hội Lái xe quyên góp ủng hộ đồng bào xã A Vao

Anh Nguyễn Tuấn Lương, Hội trưởng Hội Lái xe (HLX) tỉnh Ðiện Biên là người đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung từ khi “khúc ruột” đất nước đang gồng mình chống lũ. Hoạt động này không chỉ được hội viên HLX hưởng ứng, tham gia nhiệt tình mà còn nhận được sự đóng góp, gửi gắm của nhiều người dân trên địa bàn. Thường xuyên đăng tải kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội và trong các hoạt động của hội, sau một thời gian phát động, HLX đã huy động được 300 suất quà bao gồm 3 tấn gạo, 300 thùng mỳ tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm khác và 18 triệu đồng tiền mặt. Lúc này, HLX thành lập đoàn cứu trợ, cử người trực tiếp chở hàng vào miền Trung.

Anh Nguyễn Tuấn Lương (thứ 3 từ trái sang) cùng các hội viên HLX tỉnh Ðiện Biên chụp ảnh bên xe chở hàng, sẵn sàng cho chuyến đi cứu trợ miền Trung.

Ðể chuyến đi đạt hiệu quả, quà trao đến tay những người đang thực sự cần, Hội đã liên hệ với chính quyền địa phương mình đến. Và A Vao là xã được chọn để xe cứu trợ dừng chân. Ðây là một xã của huyện Ðakrông, tỉnh Quảng Trị chịu nhiều thiệt hại của mưa lũ, thiên tai vừa qua. Ðoàn cứu trợ cũng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ TP. Ðiện Biên Phủ xác nhận và giới thiệu, đề nghị các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện hỗ trợ. Ngày 13/11, chuyến xe tải chở hàng cứu trợ của HLX tỉnh lăn bánh chạy thẳng vào miền Trung, trao tấm lòng của người Ðiện Biên đến tận tay đồng bào vùng lũ. Anh Nguyễn Tuấn Lương chia sẻ: Trên đường di chuyển đến A Vao cũng được một số HLX tỉnh, quán ăn và các cơ quan chức năng hỗ trợ. Ðiều ấy khiến cho anh em đều cảm kích, cảm thấy việc làm của mình càng thêm ý nghĩa, giúp cho chuyến đi thành công.

Lặn lội đường xa với tâm huyết, sự yêu thương, san sẻ đáng trân trọng, đoàn cứu trợ HLX tỉnh Ðiện Biên đã được UBND huyện Ðakrong vinh danh ghi nhận tấm lòng vàng chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn.

Nguyễn Hiền

Chị Hồ Thủy Tiên, Phó Bí thư Chi đoàn Báo Kinh tế - Ðô thị

Sẻ chia để cuộc sống tốt đẹp hơn

Tham gia Chương trình Hành trình về nguồn của tuổi trẻ Báo Ðảng các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 2020 do Báo Ðiện Biên Phủ đăng cai tổ chức là điều tuyệt vời đối với tôi. Bởi thông qua hành trình, ngoài được gặp gỡ những người làm báo trong khu vực, trao đổi, trau dồi thêm kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới báo chí, được trải nghiệm, khám phá những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử - nơi diễn ra chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; chúng tôi còn được tham gia chuỗi hoạt động an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng.

Nhìn lại chuỗi hoạt động của chương trình, như: Trao học bổng, hỗ trợ xây dựng điểm trường mầm non, xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tôi thấy rằng đây là những việc làm hết sức ý nghĩa. Ý nghĩa không chỉ với người nhận được món quà mà còn ý nghĩa đối với những người sẻ chia. Ðối với Báo Kinh tế và Ðô thị, trong khuôn khổ hành trình này, chúng tôi cũng đã cùng với Báo Ðiện Biên Phủ phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ Bất động sản Danh Việt Group hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà cho hai chị em thuộc diện gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt là: Quàng Thị Kiên và Quàng Thị Tâm ở bản Xôm, xã Nà Tấu, TP. Ðiện Biên Phủ. Từ hoạt động này, đã giúp tôi cũng như các bạn phóng viên trẻ của Báo Kinh tế và Ðô thị hiểu hơn về cuộc sống, con người nơi đây, nhất là cuộc sống khó khăn của bà con đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Tôi mong rằng, thông qua Báo Ðiện Biên Phủ, sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động ý nghĩa để giúp đỡ, hỗ trợ những mảnh đời còn khó khăn như gia đình hai chị em Quàng Thị Kiên và Quàng Thị Tâm.

Quang Long (ghi)

Bình luận
Back To Top