Ðổi thay Mường Lạn

08:26 - Thứ Ba, 09/02/2021 Lượt xem: 7479 In bài viết

ĐBP - Những tuyến đường êm thuận, những ngôi nhà kiên cố vững chãi mọc sát nhau; phía xa bên triền đồi là đàn trâu, đàn bò thong dong gặm cỏ… là hình ảnh chúng tôi ghi lại được khi trở lại Mường Lạn - một trong những xã vùng cao của huyện Mường Ảng. Trước kia, nhắc tới Mường Lạn ai cũng lắc đầu e ngại bởi sự gian khó. Nhưng nay mọi thứ đang dần đổi thay, tư duy người dân không còn lạc hậu; đời sống kinh tế - xã hội cũng phát triển từng ngày...

Anh Trần Quốc Quân (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch UBND xã Mường Lạn thăm mô hình cây ăn quả tại bản Lạn.

Do ấp ủ từ lâu ý muốn gặp lại bà con nơi đây, tìm hiểu cuộc sống của họ sau một năm làm lụng vất vả nên với tôi, quãng đường hơn 30km từ trung tâm huyện Mường Ảng đến xã Mường Lạn dường như gần hơn. Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc tại trụ sở xã khi trời đã gần trưa, ông Lò Văn Sớn, Bí thư Ðảng ủy xã kể nhiều chuyện trong một năm qua; nhưng điều khiến tôi ấn tượng hơn cả đó là đời sống người dân nơi đây không ngừng được cải thiện. Ông Sớn nói như khoe: “Mường Lạn nay đã khác rồi, gần như tất cả các bản trên địa bàn xã không còn hộ đói, mặc dù có nghèo nhưng những tháng giáp hạt ai cũng có cơm để ăn. Không những thế, nhiều hộ còn trữ được thóc để bán lấy tiền trang trải sinh hoạt”.

Như để dẫn chứng cho lời mình đã khẳng định, Bí thư Ðảng ủy xã Mường Lạn phân tích: Trước đây, Mường Lạn khó khăn lắm. Mà nguyên nhân đói nghèo thì nhiều. Có hộ thì do không chịu làm ăn hoặc có làm nhưng ảnh hưởng của thiên tai dẫn đến cây trồng kém năng suất; hay do đường sá cách trở, chưa được đầu tư, nâng cấp cũng là một nguyên nhân... Thế nhưng, khi được cấp ủy, chính quyền xã, nhất là cán bộ, đảng viên tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách trồng lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm; cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án... nhận thức của đồng bào nơi đây có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều gia đình chịu khó làm ăn, vươn lên phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, toàn xã có gần 60 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 32%.

“Chẳng nói đâu xa, vài năm trước, người dân một số bản như Hua Ná, Huổi Lỵ, Xuân Lứa còn khó khăn, cuộc sống thiếu thốn. Nhưng với sự gương mẫu, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ, đảng viên nơi cư trú, đặc biệt với phương châm “đảng viên đi trước...” trên mọi lĩnh vực thì nhận thức, ý chí thoát nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây được nâng cao; bộ mặt kinh tế ở các bản ngày càng khởi sắc” - Bí thư Ðảng ủy xã Lò Văn Sớn phấn khởi chia sẻ.

Ðể chúng tôi được mắt thấy, tai nghe, ông Sớn giới thiệu, giao Chủ tịch UBND xã Trần Quốc Quân dẫn chúng tôi đến bản Huổi Lỵ, thăm cuộc sống bà con nơi đây. Trên đường đi, chúng tôi được anh Quân kể nghe nhiều chuyện về xã cũng như về bản. Anh Quân bảo, dù mới nhận công tác trên cương vị chủ tịch UBND xã vài tháng, thế nhưng thông tin ở xã anh đều nắm được bởi trước đây có thời gian dài làm việc tại Văn phòng Huyện ủy. Còn đối với bản Huổi Lỵ, do đây là bản tiêu biểu của xã nên anh nắm rõ hơn. Bản hiện có 42 hộ, chủ yếu là dân tộc Thái sinh sống. Khoảng 4 - 5 năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của bản lúc nào cũng trên 50%, nhưng nay chỉ còn 19%. Chia sẻ về cách giảm nghèo ở bản, anh Tòng Văn Thiên, Trưởng bản Huổi Lỵ cho biết: Các chương trình, dự án, các mô hình phát triển kinh tế của Ðảng, Nhà nước là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là ý chí vươn lên của người dân. Nếu người dân quyết tâm, chịu khó thì khó khăn nào mà không vượt qua được. Huổi Lỵ có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Ruộng sản xuất lúa được cả 2 vụ. Thế nhưng trước kia, do không nghe cán bộ hướng dẫn, không chuyển đổi giống lúa mới nên hàng năm sâu bệnh nhiều dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Hay như đối với vật nuôi, trước đây chăn thả rộng, không có chuồng trại, không tiêm vắc xin phòng bệnh nên dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn. Nay thì khác rồi, nhận thức của người dân đã thay đổi, họ biết cần phải làm gì là tốt nhất cho cuộc sống. Bởi vậy, cuộc sống của người dân bản Huổi Lỵ giờ đã khác xưa nhiều. Thậm chí có hộ còn sở hữu gần chục con trâu, bò là chuyện bình thường.

Sau bản Huổi Lỵ, chúng tôi tiếp tục hành quân tới bản Hua Ná. Ðây cũng là một trong những bản điển hình của xã về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Hiện nay, trong tổng số 121 hộ, bản chỉ còn 18 hộ nghèo; riêng trong năm 2020, bản có 9 hộ thoát nghèo. Anh Lò Văn Khuyên, Trưởng bản Hua Ná, chia sẻ: Ở Hua Ná, người dân xóa đói giảm nghèo tập trung vào 3 phương thức. Thứ nhất là trồng trọt, mà chủ yếu là trồng lúa nước bởi bản thuận lợi khi có suối Nậm Lặn và Nậm Nhộp chảy qua; thứ hai là chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng dịch vụ môi trường rừng; thứ ba là phát triển chăn nuôi. Vài năm trở lại đây, ngoài chăn nuôi gia súc, người dân bản Hua Ná mở rộng quy mô chăn nuôi gia cầm, nhất là vịt cổ ngắn. Ðây là giống vịt đặc trưng của xã Mường Lạn và cũng là sản phẩm được xã chọn làm sản phẩm OCOP theo Ðề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”.

Qua cuộc trò chuyện với anh Khuyên, chúng tôi được biết, bản Hua Ná không chỉ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn là điển hình của sự hiếu học. Nơi đây 100% con em trong độ tuổi đi học đều đến trường đầy đủ. Không những thế, nhiều cháu thi đỗ và theo học tại các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ðó không chỉ là niềm tự hào đối với bà con dân bản mà còn là niềm vui chung đối với xã Mường Lạn.

Mường Lạn hôm nay đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Dẫu biết rằng, sự chuyển biến đó có sự quan tâm rất lớn của Ðảng, Nhà nước với các chính sách, chương trình, dự án, song điều quan trọng hơn cả đó là thành quả của quá trình phấn đấu, sự chung sức, đồng lòng của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Mường Lạn.

Văn Quyết
Bình luận
Back To Top