Hiệu quả công tác phối hợp đào tạo nghề

16:30 - Thứ Hai, 01/03/2021 Lượt xem: 5947 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé quan tâm. Ðặc biệt, từ cuối năm 2018, huyện Mường Nhé đã ký quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động.

Người dân xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) áp dụng kiến thức học nghề vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.T.V

Huyện Mường Nhé có khoảng 47.300 người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động gần 25 nghìn người, chiếm gần 53% tổng dân số. Tuy nhiên tỷ lệ lao động thường xuyên có việc làm và lao động tay nghề cao còn rất thấp. Ða phần lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên sau mỗi mùa vụ thường không có việc làm. Xác định đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, huyện Mường Nhé đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về học nghề. Huyện đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể về giải quyết việc làm cho người lao động như: Mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu của thị trường và nguyện vọng của người lao động; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người lao động vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất... Cùng với việc đào tạo tại chỗ, những năm qua huyện Mường Nhé cũng tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh để tư vấn, giới thiệu cho lao động trên địa bàn; xuất khẩu lao động. Cuối năm 2018 huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương làm việc ngoài tỉnh. Thông qua chương trình phối hợp hành động để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục, định hướng cho lao động nông thôn, thanh niên các dân tộc thiểu số, người lao động thấy được lợi ích và hiệu quả của việc học nghề và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Năm 2019, đã phối hợp với huyện tư vấn trực tiếp tại 9 xã trên địa bàn, với hơn 650 người nghe, kết quả có hơn 100 người đăng ký đi học và làm việc tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Ðến năm 2020, hai bên phối hợp tư vấn tại 5 xã, có hơn 60 người đăng ký đi học và làm việc.

Ðể người lao động tin tưởng và đăng ký tham gia chương trình, huyện Mường Nhé đã phối hợp với Tập đoàn tổ chức cho người lao động tham quan trực tiếp môi trường làm việc. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, học viên được tiếp nhận đi làm ngay theo cam kết giữa 2 đơn vị; tiền công bình quân đạt từ 700 - 900 nghìn đồng/ngày. Hàng quý, nhà trường, công ty đều thông tin đầy đủ, kịp thời đến địa phương về tình hình tuyển sinh, học tập và làm việc của học sinh, người lao động.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, huyện Mường Nhé đã từng bước nâng cao tỷ lệ, chất lượng lao động. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện tạo việc làm mới cho 4.250 lao động, bình quân 850 lao động/năm. Mỗi năm trung bình huyện cung ứng cho các công ty, doanh nghiệp gần 200 lao động với thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, tổ chức xuất khẩu 20 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 45% tổng số lao động trên địa bàn huyện (năm 2015 chỉ đạt 19,7%) và tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ nghề sơ cấp trở lên đạt 25,7%.

Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé cho biết: Ðể tăng cường đào tạo nghề cho lao động, thời gian tới huyện Mường Nhé tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam. Ðồng thời, phấn đấu hàng năm có 60 lao động trở lên đi học tập và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ trì, phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách giải quyết việc làm nói chung và đi làm tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói riêng để người dân biết, hiểu rõ về điều kiện đăng ký tham gia học nghề và làm việc tại Tập đoàn. Huyện cũng đề nghị nhà trường, doanh nghiệp chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức thực hiện kế hoạch; kịp thời phản ánh những khó khăn; ký kết hợp đồng lao động và đảm bảo các quyền lợi người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top