Bãi rác tự phát lấn suối Nậm Núa

18:01 - Thứ Sáu, 02/04/2021 Lượt xem: 5412 In bài viết

ĐBP - Tại địa phận giáp ranh giữa thôn A1 và bản Uva, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) những năm qua đã tồn tại một bãi rác tự phát. Đặc biệt, nửa năm trở lại đây, lượng rác thải đổ về đây tăng cao, gây tràn và lấn xuống lòng suối Nậm Núa, khiến người dân lo ngại trước nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Bãi rác tự phát tại địa phận giáp ranh giữa thôn A1 và bản Uva, xã Noong Luống (huyện Điện Biên) tràn xuống lòng suối Nậm Núa.

Chúng tôi có mặt tại bãi rác tự phát mà người dân phản ánh để ghi nhận tình hình. Bãi rác nằm sát đường dân sinh, sát mép dòng suối Nậm Núa đang tràn ngập một lượng lớn rác thải. Rác thải đủ chủng loại, như rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt; đựng trong bao tải, đổ ngổn ngang; ruồi nhặng bay khắp nơi. Trong đó, phần lớn lượng rác thải bị đổ tràn xuống lòng suối; ven suối nhiều bao tải rác nằm sát mém, cùng rác thải xây dựng là gạch, vữa, bê tông… nằm ngổn ngang. 

 Người dân tại thôn A1 phản ánh, bãi rác tự phát này được hình thành cách đây khoảng 2 - 3 năm. Lúc đầu với lượng ít; nhưng 1 năm trở lại đây thì lượng rác thải ngày càng nhiều. Thôn A1 chưa có điểm tập kết rác thải tập trung, nên một số hộ dân đã tự ý mang rác ra đó vứt. Bên cạnh đó, vì là điểm giao nhau giữa địa bàn thôn A1 và bản Uva nên nhiều hộ kinh doanh du lịch dịch vụ tại bản Uva cũng xả ra đây một lượng rác không nhỏ… Cùng với đó là tình trạng đổ trộm các loại đất, đá, phế liệu xây dựng với khối lượng lớn thỉnh thoảng lại diễn ra. Thực trạng này đã biến nơi này trở thành bãi rác, gây mất cảnh quan và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

 Chúng tôi đến khu bãi màu bên kia suối. Bãi màu này nằm đối diện với bãi rác tự phát thôn A1; là nơi canh tác của các hộ gia đình thôn 5, thôn 7 xã Pom Lót (huyện Điện Biên). Là 1 trong 15 hộ gia đình đang trồng rau màu tại đây, ông Nguyễn Công Nghiệp, thôn 7, xã Pom Lót không khỏi khó chịu khi nhìn thấy khối lượng lớn đất, đá, rác thải rắn bị đổ tràn xuống lòng suối. Ông Nghiệp bức xúc: Do đất, đá, phế liệu xây dựng đổ lấn xuống khiến lòng suối bị thu hẹp, gây cản trở dòng chảy, vì thế mà chỉ cần 1 trận mưa to là nước nhanh chóng dâng lên, tràn vào bãi màu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trồng trọt của bà con.

Cách đó không xa, chị Lại Thị Minh, thôn 7, xã Pom Lót dù đang bận rộn tưới nước cho khu vực vườn cà pháo của gia đình, nhưng vẫn với vào chia sẻ. “Mùa gió Lào là thời điểm chúng tôi phải chịu đựng khổ sở nhất, khi mùi rác thải, mùi xác gia cầm bốc lên đều theo hướng gió sang bên bãi màu. Vừa phải làm việc vất vả, lại phải chịu đựng mùi hôi thối khiến chúng tôi rất mệt mỏi và khó chịu” – chị Minh nói.

Video bãi rác tự phát lấn suối Nậm Núa.

Quay lại thôn A1, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Hoàng Hải Đông, Bí thư chi bộ thôn A1 thì được biết, ngay từ khi bãi rác mới hình thành, ông Đông và cán bộ trong thôn đã có kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, mặc dù UBND xã Noong Luống đã cử cán bộ xuống xác minh nhưng gần 2 năm nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Để giảm thiểu tình trạng rác thải đổ dồn về bãi rác tự phát, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong thôn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi và hướng dẫn người dân xử lý rác thải tại gia đình. Tuy nhiên, người dân chỉ có thể tự xử lý những loại rác thải sinh hoạt bình thường bằng cách gom lại đốt; còn rác thải rắn, rác thải vô cơ sẽ được người dân thu gom vào bao tải để mang vứt...

Ông Hoàng Hải Đông chia sẻ: Với tâm lý đất đó là đất "chùa", lại nằm ngay bên đường giao thông nên người dân vẫn lén lút ra đổ rác, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và lấn xuống lòng suối, khiến dòng nước bị thu hẹp và ô nhiễm. Mặc dù biết việc xả rác thải như vậy ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của chính mình, nhưng vì chưa có cách xử lý nào phù hợp nên nhiều người vẫn "nhắm mắt làm ngơ". Để giải quyết vấn đề này, tôi mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sớm cho xây dựng điểm tập kết rác thải tập trung; có xe thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải để đảm bảo môi trường sống, sản xuất cho nhân dân.

Nếu tình trạng trên còn kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, đặc biệt là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Rất mong, UBND xã Noong Luống có phương án kiểm soát, xử lý để giữ gìn cảnh quan cho khu vực sông Nậm Núa, cũng như bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top