Đồng hành cùng phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế

08:18 - Thứ Sáu, 18/06/2021 Lượt xem: 4490 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu không để phụ nữ nghèo biên giới bị bỏ lại phía sau. Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Nậm Pồ cùng với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện huy động nguồn lực giúp phụ nữ biên giới huyện Nậm Pồ nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, giúp nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số vươn lên trong cuộc sống, mang lại hạnh phúc, tiến bộ cho chị em nơi phên giậu Tổ quốc.

Đại diện lãnh đạo Hội LHPN huyện Nậm Pồ trao “Mái ấm tình thương” cho hội viên Vàng Thị Tâu, chi hội phụ nữ bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa (Nậm Pồ). Ảnh: C.T.V

Hội LHPN vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ các cấp thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hỗ trợ gia đình hội viên triển khai các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, như: Chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức cuộc sống gia đình; giúp phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều có địa chỉ; thông qua việc: Giúp nhau ngày công, con giống, cho vay vốn không tính lãi, lãi suất thấp từ nguồn quỹ tiết kiệm tại chi/tổ phụ nữ, nhóm cổ phần tài chính tự quản; thực hiện liên kết trồng rau sạch; trồng nấm, ngô đông, sắn, lạc và phát triển kinh tế trồng rừng, chăn nuôi phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chuồng trại. Hội cũng kêu gọi, vận động từ các nguồn quỹ, các nhà hảo tâm, tổ chức chính trị xã hội giúp hội viên phát triển kinh tế… Từ đầu năm đến nay, Hội tiếp nhận từ Quỹ “Vì đồng bào” 248 triệu đồng, Hội LHPN huyện đã xây dựng 4 “Mái ấm tình thương” cho 4 hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hưng Yên tổ chức chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tặng 1 “Mái ấm tình thương”, 10 suất học bổng, 10 suất quà cho hội viên, phụ nữ nghèo tại xã Phìn Hồ trị giá trên 170 triệu đồng...

Chúng tôi đến gia đình chị Vàng Thị Tâu, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Huổi Thủng 1, xã Na Cô Sa là hộ nghèo của xã. Gia đình chị Tâu có 4 con, cháu thứ 2 bị khuyết tật từ nhỏ, hàng năm gia đình chỉ trông chờ vào mấy nghìn mét vuông lúa nương. Bản thân chị Tâu thường xuyên đau ốm phải đi bệnh viện nên nhiều năm nay, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn và phải sống trong căn nhà dột nát. Với sự hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Vì đồng bào” cùng ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa gia đình chị đã xây dựng được căn nhà kiên cố, khang trang. Chị Tâu chia sẻ: Gia đình tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có ngôi nhà kiên cố như hôm nay. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Hội LHPN huyện, các cấp chính quyền và các chiến sĩ biên phòng đã hỗ trợ gia đình tôi có căn nhà mới...

Ngoài hỗ trợ xây nhà ở, nhiều hội viên được hỗ trợ vốn, con giống để phát triển chăn nuôi thoát nghèo, hướng tới cuộc sống ổn định bền vững. Gia đình chị Vàng Thị Máy, bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn một trong những hội viên phụ nữ được thụ hưởng chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Chị Máy chia sẻ: Năm 2018, gia đình tôi được hỗ trợ 200 con gà giống và cám. Cán bộ khuyến nông xã cũng đến hướng dẫn cách chăm sóc. Gia đình đã tiêm phòng dịch định kỳ nên đàn gà phát triển tốt. Nuôi gà không những có trứng, thịt gà để phục vụ gia đình mà còn có gà bán mỗi khi trong bản có đám hiếu, hỉ... Nhờ chăn nuôi gà mà gia đình có thêm thu nhập từ 1 - 1,2 triệu đồng/tháng, từng bước ổn định cuộc sống.

Bà Lò Thị Lên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ cho biết: Để đồng hành cùng hội viên thoát nghèo, Hội LHPN huyện đã chủ động kết nối, kêu gọi nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, tổ chức chính trị xã hội. Từ đó xây dựng các mô hình phát triển kinh tế điểm phù hợp với từng địa phương. Gần đây nhất từ nguồn Quỹ “Vì đồng bào” do ông Đoàn Ngọc Hải làm trưởng điều hành đã cho Hội LHPN huyện vay 500 triệu đồng. Hội LHPN huyện đã triển khai 5 mô hình: Thêu, may trang phục dân tộc Mông tại xã Nà Bủng; nuôi trâu vỗ béo tại xã Na Cô Sa; trồng sả lấy tinh dầu tại xã Nậm Nhừ; nuôi lợn sinh sản, lợn thịt tại các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ với cho tổng số 56 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo được hỗ trợ. Thông qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của hội viên phụ nữ. Đồng thời, tạo ra một phong trào thi đua phát triển kinh tế sôi nổi trong mọi tầng lớp phụ nữ. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top