Sớm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động

09:15 - Thứ Bảy, 24/07/2021 Lượt xem: 3673 In bài viết

ĐBP - Đợt dịch Covid-19 năm 2021 này, nhiều người lao động (NLĐ), cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng; trong đó nhiều trường hợp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước để phòng, chống dịch và rơi vào khó khăn. Ngày 1/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng giá trị khoảng 26 nghìn tỷ đồng, không ít NLĐ nhất là lao động tự do rất phấn khởi, mong chờ chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạm thời đóng cửa, giảm doanh thu. Trong ảnh: Nhà hàng Mã Lệ, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) có thời điểm phải tạm đóng cửa.

Mong sớm nhận hỗ trợ

Hiện nay, toàn tỉnh có 364.573 người lao động, chiếm 58% dân số; trong đó, lực lượng lao động thành thị 49.263 người (chiếm trên 13%), lực lượng lao động nông thôn 315.310 người (chiếm hơn 86%). Đầu tháng 5/2021 đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc mới trong cộng đồng đã tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân và đã ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Những NLĐ như làm nghề xe ôm, kinh doanh nhỏ lẻ đều trông chờ vào gói hỗ trợ trên để có thêm chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo nhiều lao động, dịch bệnh không chỉ khiến tâm lý NLĐ lo lắng mà còn sợ bị mất việc làm, giảm thu nhập và thất nghiệp. Vì vậy, NLĐ mong các chính sách hỗ trợ sớm được triển khai, hướng dẫn NLĐ làm thủ tục. Anh Lò Văn Thu, lao động tự do trú tại xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên trước đây làm nghề phụ hồ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. “Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, ít việc, thu nhập cũng giảm nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Khi nghe tin Nhà nước hỗ trợ tiền cho lao động tự do, tôi rất vui mừng, mong sớm nhận được hỗ trợ” - Anh Thu cho biết. Còn với Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Điện Biên thời gian qua phải nghỉ hoạt động nhiều ngày liên tiếp vì không có khách, mỗi chuyến đi thường bù lỗ trên 4 triệu đồng với đủ các khoản chi từ xăng, dầu, phí 2 đầu bến, phí cầu đường đến chi phí ăn, lương cho lái xe, phụ xe. Ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Điện Biên cho biết: Công ty hiện có 35 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh. Thời gian gần đây, lượng khách giảm đến 2/3, thậm chí có chuyến xe chỉ có 4 - 5 khách, dẫn tới doanh thu giảm nhiều. Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì trả lương cho nhân viên; cùng với đó, doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng nên càng thêm khó khăn. Doanh nghiệp ngừng hoạt động thì NLĐ sẽ không có lương, thu nhập khiến cuộc sống gặp khó khăn. Do vậy, đơn vị rất mong tỉnh sớm triển khai gói chính sách hỗ trợ để công nhân đơn vị được hưởng.

Gấp rút triển khai

Để triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu chủ động thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện người dân đang rất mong chờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào cuộc sống, đặc biệt là NLĐ tự do, lực lượng lao động trực tiếp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai và hiện đang lấy ý kiến của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời Sở sẽ sớm hoàn chỉnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đó, gấp rút triển khai đưa chính sách đến đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động.

Theo ông Mai Hoàng Hà, một trong những vấn đề người thụ hưởng chính sách quan tâm nhất chính là thủ tục, hồ sơ nhận hỗ trợ. Với phương châm trình tự, thủ tục thông thoáng để NLĐ và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách nhưng vẫn bảo đảm đúng luật...

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu nhập; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động. Do đó, việc sớm triển khai, đưa Nghị quyết số 68/NQ-CP vào thực tiễn sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho NLĐ, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top