Chung tay chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

09:04 - Thứ Sáu, 13/08/2021 Lượt xem: 2865 In bài viết

ĐBP - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi dau “da cam” vẫn dai dẳng, nhức nhối suốt nhiều năm qua. Hàng trăm nghìn nạn nhân chất độc da cam đã chết, hàng triệu người mắc các chứng bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, trong đó có cả thế hệ thứ 2, thứ 3. Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn, giúp nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam trong dịp 27/7 vừa qua.

Ông Đoàn Văn Mão, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 235 trường hợp bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, 188 trường hợp bị nhiễm chất độc hóa học khi tham gia hoạt động kháng chiến và 47 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Hầu hết nạn nhân chất độc da cam đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn bệnh tật, nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật, sống đời sống thực vật… Để xoa dịu nỗi đau da cam, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để công nhận cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam; chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã có thêm 8 trường hợp được công nhận mới người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nâng tổng số đối tượng được nhận trợ cấp hàng tháng lên 235 người với tổng số tiền chi trả hơn 430 triệu đồng/tháng. Hàng năm, 100% nạn nhân chất độc da cam được cấp thẻ bảo hiểm y tế; thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); được đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Tiếp đón thân nhân liệt sỹ và Điều dưỡng người có công với cách mạng tỉnh.

Phát huy vai trò của mình, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh luôn tích cực vận động, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ về vật chất, tinh thần nhằm động viên, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Trong năm 2020, Hội đã vận động được gần 40 đơn vị ủng hộ với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Từ số tiền trên Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, như: Thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, khi bị ốm đau; tổ chức cho hội viên đi điều dưỡng, xông hơi giải độc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam... Nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021), cuối tháng 5/2021, Hội đã gửi thư kêu gọi các cơ quan đảng, chính quyền, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Tính đến ngày 6/8, Hội đã nhận được sự ủng hộ của 14 cơ quan, đơn vị với tổng số tiền trên 30 triệu đồng. Cũng trong dịp này, Hội chỉ đạo các chi hội tổ chức tọa đàm, tặng quà cho tất cả hội viên nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam (mỗi suất quà trị giá 350 nghìn đồng); tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 12 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Tuần Giáo. Với những nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở, Hội cũng vận động, kết nối với các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà tình nghĩa cho hội viên. Từ khi chính thức đi vào hoạt động đến nay, Hội đã vận động xây dựng được 3 nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam (mỗi nhà 50 triệu đồng)...

Thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, những năm qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhận được sự đóng góp, ủng hộ của nhiều tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, Hội đã tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam như: Thăm hỏi, tặng quà vào dịp tết; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; tặng xe lăn, xe lắc… Trong dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021) vừa qua, Hội đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 10 nạn nhân chất độc da cam ở thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng).

Những hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa trên đã thể hiện sự quan tâm chăm lo của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong việc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Thời gian tới, các đơn vị, địa phương sẽ tiếp tục nỗ lực vận động các nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam, từ đó giúp họ vơi bớt khó khăn, có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Đức Thái
Bình luận
Back To Top