Vận động nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

09:06 - Thứ Hai, 06/09/2021 Lượt xem: 4571 In bài viết

ĐBP - Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách xã hội quan trọng, là vai trò trụ cột của chính sách BHXH, của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Hội Nông dân tỉnh xác định việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia BHXH tự nguyện có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân, góp phần nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Hội Nông dân huyện Nậm Pồ hướng dẫn nông dân làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Nguyễn Tuyết

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân làm nông, lâm, ngư nghiệp hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia BHXH, Hội Nông dân - Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 479/Ctr-BHXH-HNDT, ngày 18/7/2016 về việc phối hợp thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020.

Bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, linh hoạt như: Tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, sinh hoạt chi hội, website, cuốn Thông tin Công tác hội Hội Nông dân tỉnh được phát tới tất cả các chi hội, hội nghị phổ biến, đối thoại chính sách, hội nghị truyền thông - đối thoại với hội viên nông dân, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp tuyên truyền giúp hội viên, nông dân và nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khi tham gia BHXH tự nguyện. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh căn cứ tài liệu do BHXH cung cấp chủ động giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho Hội Nông dân các huyện, xã, phường, thị trấn, định kỳ hàng năm có tổng kết, đánh giá và biểu dương khen thưởng. Qua 4 năm thực hiện chương trình phối hợp, các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với ngành BHXH đã tổ chức 40 lớp tập huấn và 80 buổi tuyên truyền lồng ghép vào các hoạt động của Hội về chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng cho trên 10.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn toàn tỉnh. Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng BHXH tỉnh tổ chức 9 cuộc tuyên truyền, đối thoại về BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng cho trên 900 cán bộ, hội viên nông dân. Đến nay, Hội Nông dân các cấp đã có trên 100 nhân viên làm đại lý thu BHXH; BHYT duy trì hoạt động, vận động được trên 1.000 người tham gia BHXH tự nguyện, trên 50.000 hộ gia đình tham gia BHYT tự đóng. Mặc dù công tác tuyên truyền các chính sách BHXH tự nguyện được quan tâm, tăng cường với nhiều hình thức, tuy nhiên, nông dân vẫn chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện; chưa có thói quen tham gia BHXH tự nguyện khi trẻ, để về già được hưởng lương hưu. Thậm chí, nhiều người còn chưa hiểu rõ về các chính sách của BHXH tự nguyện, có sự nhầm lẫn giữa BHXH tự nguyện và các loại hình bảo hiểm thương mại khác.

Một trong những rào cản gây khó khăn trong việc vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện là:

Thu nhập của người nông dân còn thấp, việc làm không ổn định, mức phí đóng bảo hiểm cao, thời gian để được hưởng thụ chế độ khá dài, trong đó thu nhập thấp và không ổn định là nguyên nhân chính khiến cho người lao động khó tiếp cận được với BHXH tự nguyện. Với mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Mức thu nhập tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng; cao nhất bằng 20 x 1.490.000 đồng x 22% = 6.556.000/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với người lao động. Trong khi đó theo khoản 2, Điều 70 Luật BHXH tự nguyện quy định người lao động phải có đủ sau 20 năm đóng BHXH mới được thụ hưởng lương hưu nên nhiều người chưa tin tưởng và chưa có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy họ tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời đây là chủ trương mới nên người dân chưa quan tâm nhiều và nhận thức đầy đủ về loại hình này; công tác tuyên truyền, vận động, triển khai ở nhiều xã chưa sâu rộng, thiếu đồng bộ, chưa có hình thức phù hợp để tác động đến đối tượng, nhiều hội viên nông dân chưa nắm bắt được những thông tin cơ bản về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Chính vì thế, tâm lý nông dân còn đắn đo về lợi ích giữa việc đóng BHXH tự nguyện và gửi tiền tiết kiệm. Hơn nữa, cán bộ đại lý thu BHXH tự nguyện, chủ yếu là cán bộ Hội Nông dân kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian để khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Để thu hút nhiều hơn nông dân tham gia BHXH thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sự cần thiết của việc tham gia BHXH tự nguyện (đặc biệt là vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tham gia BHXH tự nguyện), phổ biến quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện Thực hiện tuyên truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú bằng các phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, áp phích, kết hợp lồng ghép nội dung BHXH tự nguyện với các buổi sinh hoạt chi, tổ hội. Phối hợp với BHXH thực hiện linh hoạt các chính sách, giảm tối đa thủ tục giấy tờ, cung cấp thông tin, chi trả BHXH tự nguyện khi có phát sinh quyền lợi BHXH. Đề cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch Hội Nông dân cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện...

Nguyễn Tuyết (Hội Nông dân tỉnh)
Bình luận
Back To Top