Mường Nhé nhiều năm “đội sổ” xếp hạng cải cách hành chính

10:06 - Chủ Nhật, 19/09/2021 Lượt xem: 4140 In bài viết

ĐBP - Kết quả công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cho thấy, năm 2020 huyện Mường Nhé đứng vị trí thứ 10/10 bảng xếp hạng. Điều đáng nói vị trí này “được” huyện Mường Nhé duy trì trong nhiều năm liên tục, chưa có sự thay đổi tích cực.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Tỷ lệ điểm trung bình năm 2020 của huyện Mường Nhé chỉ đạt 56,17%; là huyện duy nhất đạt mức trung bình (9/10 đơn vị cấp huyện khác đạt loại khá). Mặc dù điểm số có tăng so với năm 2019 (49,29%), nhưng vẫn không làm thay đổi được vị trí xếp hạng của huyện Mường Nhé và còn cách xa so với huyện thứ 9 trên bảng xếp hạng là Điện Biên Đông (tỷ lệ điểm trung bình đạt 71,2%).

Theo ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, nguyên nhân chủ yếu do các cơ quan, đơn vị được giao đầu mối trong công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần xác định chỉ số CCHC của huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác CCHC. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng công tác CCHC của một số cơ quan, đơn vị và người dân chưa đầy đủ. Chất lượng, năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức xã; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, ý thức phục vụ nhân dân chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện tốt, chưa chú trọng đến công tác CCHC nên dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ còn chậm trễ.

Theo thống kê, có đến 6/8 lĩnh vực CCHC huyện Mường Nhé có tỷ lệ điểm thấp nhất tỉnh, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách tài chính công; tác động CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như công tác chỉ đạo điều hành huyện chỉ đạt 53,47%, do một số chỉ tiêu đạt 0 điểm, như: Thực hiện việc gắn kết quả CCHC với việc đánh giá, xếp loại hàng năm đối với người đứng đầu, cấp phó và cán bộ công chức có liên quan đến kết quả CCHC; mức độ đa dạng trong tuyên truyền CCHC; thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trong năm. Hay lĩnh vực cải cách tài chính công huyện chỉ đạt 18,25% do có 11/16 tiêu chí đạt 0 điểm. Do việc thực hiện lập, phân bổ, giao dự toán và báo cáo tình hình thực hiện dự toán của một số cơ quan, đơn vị, UBND một số xã chưa kịp thời, số liệu báo cáo thiếu chính xác…

Với kết quả này, liên tiếp 4 năm gần đây (từ 2017 - 2020), huyện Mường Nhé đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số CCHC của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế trên, huyện Mường Nhé cần tăng cường rà soát, đánh giá lại kết quả từ tiêu chí, lĩnh vực, tìm ra nguyên nhân cụ thể, tránh chung chung, để có giải pháp hữu hiệu. Nếu không công tác CCHC của huyện Mường Nhé trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng của huyện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Thào A Dế cho biết: Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, thời gian tới huyện đề ra các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chỉ số CCHC trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Cụ thể là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các xã chịu trách nhiệm tổ chức hiệu quả các nhiệm vụ về CCHC được giao tại chương trình, kế hoạch hàng năm của huyện. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với yêu cầu CCHC. Thường xuyên rà soát, đánh giá thủ tục hành chính nhằm kiến nghị loại bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của các đơn vị. Quán triệt và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, chuyển từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”. Đồng thời kiên quyết xử lý, thay thế những người có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Cùng với đó, huyện sẽ thành lập tổ giúp việc trong thực hiện công tác CCHC và chấm điểm chỉ số nhằm giúp các cơ quan, đơn vị và UBND các xã từng bước cải thiện, nâng cao chỉ số.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top