Gỡ khó thực hiện chuẩn quốc gia về y tế xã

00:00 - Thứ Sáu, 27/02/2015 Lượt xem: 1404 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Có vai trò đặc biệt quan trọng trong ngành, y tế xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản. Đây đồng thời là tuyến y tế thực hiện nhiệm vụ tổ chức, triển khai công tác xử trí cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh, giám sát dịch bệnh, thực hiện các mục tiêu chương trình y tế quốc gia, tuyên truyền giáo dục sức khỏe, hướng dẫn phòng bệnh và thực hiện công tác quản lý sức khỏe cho nhân dân.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác y tế nói chung, mạng lưới y tế cơ sở nói riêng bằng việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và chính sách về y tế, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của ngành Y tế mà ở đó có hoạt động y tế cơ sở. Gần đây nhất là Quyết định số 4667/QĐ-BYT, ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế, về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, giai đoạn đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Điện Biên đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp thành chương trình, kế hoạch hành động để triển khai các hoạt động y tế trên địa bàn được hiệu quả.

Tiêu chí về cơ sở vật chất ở nhiều trạm y tế xã chưa đạt chuẩn.  Ảnh: Hải Yến

Đối với việc thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 (sau đây gọi tắt là bộ tiêu chí), không chỉ đánh giá hoạt động trong phạm vi trạm y tế xã mà còn đánh giá các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã). Chính vì vậy, việc thực hiện bộ tiêu chí đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Điều dễ nhận thấy nhất đó chính là sự cụ thể hoá bộ tiêu chí quốc gia về y tế được đưa vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương trong từng giai đoạn cụ thể, góp phần quan trọng đưa các dịch vụ y tế có chất lượng về gần dân.

Tuy nhiên, thực tế thì việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do bộ tiêu chí ở giai đoạn 2011-2020 có nhiều chỉ tiêu được nâng lên so với giai đoạn trước. Ví dụ như tiêu chí về nhân lực y tế, mặc dù đã có các chính sách ưu đãi thu hút cán bộ y tế ở vùng khó khăn, song tình trạng thiếu nhân lực chưa được cải thiện nhiều. Theo tiêu chí số 2 - nhân lực y tế (trong bộ tiêu chí) tại các trạm y tế xã vùng 3 và vùng 2 “có bác sỹ thường xuyên làm việc tại trạm y tế xã hoặc có bác sỹ làm việc tại trạm y tế xã tối thiểu 02 buổi/tuần theo lịch được thông báo trước”. Nhưng hiện ở Điện Biên tỷ lệ xã có bác sỹ (gồm phòng khám đa khoa khu vực + trạm y tế) mới đạt 39,23%. Do vậy, việc thực hiện tiêu chí về nhân lực là rất khó khăn. Cùng với đó là thành phần và cơ cấu cán bộ y tế tại trạm theo chức danh chuyên môn theo quy định tại Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV vẫn chưa đáp ứng số lượng, cơ cấu chưa hợp lý, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyên môn y tế xã; tỷ lệ trạm y tế xã không có cán bộ y học cổ truyền là 24,6%, không có cán bộ dược là 66,2%. Với thực trạng này thì điều nhìn thấy đó chính là thời gian dài sắp tới, nhiều trạm y tế xã rất khó đạt tiêu chí quốc gia khi xét theo quy định của bộ tiêu chí.

Tình trạng trạm y tế xã xuống cấp về cơ sở vật chất và thiếu trang thiết bị cũng là một trong những “rào cản” khiến y tế tuyến xã của Điện Biên khó hoàn thành tiêu chí trong quy định bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Vì theo tiêu chuẩn thì “Trạm y tế xã được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trạm y tế cơ sở và tiêu chuẩn ngành; đảm bảo đủ số lượng và diện tích của các phòng để thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao”, nhưng đến hết năm 2014 toàn tỉnh còn 69 trạm y tế xã cần phải xây mới hoặc cải tạo nâng cấp. Trong đó, 14 trạm y tế mới chia tách chưa có nhà trạm; 7 trạm phải hoạt động ghép với phòng khám đa khoa khu vực; 3 nhà tạm và 45 trạm được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước). Đây là thách không nhỏ với tỉnh nghèo như Điện Biên mà nguồn ngân sách chủ yếu do ngân sách Trung ương cấp.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn thấp; vấn đề vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế do nhận thức, ý thức của người dân cũng là những khó khăn với y tế tuyến xã trong thực hiện tiêu chí về y tế dự phòng. Đặc biệt là tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh còn quá thấp (hiện nay toàn tỉnh mới có 11 thôn, bản được công nhận cộng đồng không phóng uế bừa bãi, đạt tỷ lệ 0,72%), ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình thực hiện chuẩn y tế quốc gia của địa phương. Với thực trạng này, để đạt được tiêu chí là rất khó khăn, bên cạnh việc đầu tư của nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, thì việc tuyên truyền thay đổi thói quen, tập quán của nhân dân cũng là thách thức lớn đối với ngành y tế.

Bên cạnh đó còn một số khó khăn đặc thù của tỉnh như: Điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi, tình hình di dịch cư tự do phức tạp, ở một số nơi có hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật người dân không tiếp cận với dịch vụ y tế; tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu khi mang thai và khi đẻ trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 cao... cũng là những thách thức với việc triển khai công tác y tế nói chung và thực hiện bộ tiêu chí quốc gia y tế xã nói riêng.

Việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia y tế xã là một chính sách lớn nhằm nâng cao chất lượng, cung ứng dịch vụ y tế tại tuyến xã - tuyến y tế gần dân nhất, giải quyết cơ bản các vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân là cần thiết, song quá trình thực hiện còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để triển khai có hiệu quả các tiêu chí, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó ngành Y tế đóng vai trò tham mưu nòng cốt cần chủ động xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp. Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận các dịch vụ y tế, cũng như hỗ trợ nguồn lực để cải thiện hoạt động trạm y tế xã, góp phần cho y tế cơ sở hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác y tế.

Phạm Thế Xuyên

(Sở Y tế Điện Biên)

Bình luận
Back To Top