Phòng bệnh viêm gan vi rút

00:00 - Thứ Hai, 11/01/2016 Lượt xem: 2294 In bài viết
ĐBP - Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2015 đã ghi nhận 204 ca mắc bệnh viêm gan vi rút, tăng 91 ca so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù chưa có trường hợp tử vong, song đây là bệnh nguy hiểm, khả năng lây nhiễm cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì vậy người dân cần nâng cao nhận thức phòng, ngừa bệnh viêm gan vi rút, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Anh Trần Văn H., tổ dân phố 11, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ bị viêm gan B cách đây khoảng 3 năm. Do bất cẩn trong lúc làm việc, bị đứt tay, chảy máu nhưng do chưa biết bản thân mắc bệnh và cũng không biết đường lây nhiễm căn bệnh này, anh H. tiếp xúc với con trai. Vô tình tay con cũng bị chầy xước, vết máu từ tay anh H. lau chưa sạch đã chạm vào người con trai. Chừng 4 tháng sau, anh H. cùng vợ và con đi khám sức khỏe mới biết cả nhà nhiễm bệnh viêm gan. Anh H. tâm sự: Trước khi biết bản thân mắc bệnh viêm gan, mình không biết mức độ nguy hiểm cũng như cách phòng, tránh loại bệnh này. Giờ biết thì đã muộn, bệnh đã truyền nhiễm sang vợ và con. Trường hợp của anh Lò Văn M. ở thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) cũng do kiến thức về bệnh viêm gan hạn chế nên đã lây nhiễm sang vợ. Giờ đây, cả hai vợ chồng cùng chung căn bệnh nguy hiểm và thường xuyên phải đến Trung tâm Y tế huyện điều trị, song việc điều trị chỉ để tăng cường sức khỏe chứ không thể chữa khỏi.

Bác sỹ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B cho người dân tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé.

Anh Lò Văn M. và Trần Văn H. chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp do hạn chế thông tin, kiến thức về bệnh viêm gan vi rút, không biết cách dự phòng nên đã để lây truyền sang người thân. Viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm thường gặp do các vi rút viêm gan (HepatitisA, HAV; HepatitisB, HBV; HepatitisC, HCV; HepatitisD, HDV; HepatitisE, HEV) gây ra, gọi tắt là viêm gan do vi rút A, B, C, D, E. Bệnh thường có đặc điểm lâm sàng chung là tình trạng nhiễm độc nặng làm bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Đôi khi người bệnh có cảm giác đầy tức bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, đau vùng gan. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sụt cân, vàng da (thường là vàng da nhẹ tự hết dù không điều trị và thi thoảng tái xuất hiện). Có trường hợp vàng da đậm, đây là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh. Ngoài ra, một số biểu hiện khác của bệnh viêm gan thường gặp, như: Đau xương khớp, thay đổi màu da và niêm mạc như sạm da, khô da, ban đỏ, giãn mạch dưới da, trứng cá… Trong các thể vi rút viêm gan, vi rút A và E lây theo đường tiêu hóa; vi rút B, C, D lây truyền qua đường máu.

Tùy loại vi rút gây viêm gan mà bệnh có tiến triển và biến chứng khác nhau. Riêng viêm gan E ở phụ nữ có thai dễ dẫn đến viêm gan ác tính và tử vong cao. Hiện nay, bệnh viêm gan vi rút vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có một số thuốc kháng vi rút được áp dụng cho phác đồ điều trị viêm gan B, viêm gan C, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Song khi mắc bệnh, người bệnh cần được nghỉ ngơi, chế độ ăn giảm mỡ động vật, hạn chế thức ăn chiên, xào, ăn nhiều rau, quả tươi; hạn chế sử dụng rượu, bia, các loại thuốc, hóa chất gây độc hại cho gan.

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng người dân cần chủ động trong việc phòng tránh bệnh viêm gan, như: Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B (nếu chưa nhiễm). Đối với các vi rút viêm gan lây theo đường tiêu hóa (A, E), cần giữ vệ sinh khi ăn uống để tránh lây lan trong cộng đồng. Các vi rút viêm gan lây theo đường máu (B, C, D), cần phải bảo đảm khử trùng tốt các dụng cụ tiêm truyền, phẫu thuật; sử dụng máu và các chế phẩm của máu cần được kiểm tra chặt chẽ để loại trừ các vi rút viêm gan. Đặc biệt, không nên dùng chung bàn chải đánh răng; quan hệ tình dục an toàn. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh viêm gan vi rút, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn cách điều trị, đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top