Cần chủ động phòng bệnh khi thời tiết rét đậm

00:00 - Thứ Tư, 03/02/2016 Lượt xem: 2291 In bài viết
ĐBP - Ngày 23/1 vừa qua, các tỉnh phía Bắc đã bị ảnh hưởng của không khí lạnh trên diện rộng, nhiều nơi xuất hiện băng giá, tuyết rơi, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, nhất là những người có sức đề kháng yếu, như: Người cao tuổi, trẻ em. Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong đợt rét đậm, rét hại, số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh không có chiều hướng tăng. Song với diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay, người dân cần biết cách giữ ấm, chủ động phòng, chống rét cho bản thân và gia đình.

Theo bác sỹ Vũ Thị Ninh, Phó trưởng Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Trước đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị; trong đợt rét đậm vừa qua, chỉ có khoảng 100 lượt. Đơn cử như Khoa Nhi, nơi điều trị cho đối tượng dễ mẫn cảm với thời tiết nhưng những ngày rét đậm, lượng bệnh nhi không tăng, ngược lại còn giảm so với trước đây. Hiện mỗi ngày, khoa chỉ tiếp nhận dưới 10 bệnh nhân (giảm từ 5 – 7 lượt). Việc số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện giảm trong đợt rét đậm, bác sỹ Ninh lý giải: Trước khi diễn ra đợt rét đậm, rét hại; các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng tránh, từ đó, nhận thức của người dân được nâng cao, biết bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình. Đây là một trong những tín hiệu vui trong việc chủ động của bà con.

Cán bộ Trạm Y tế phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ tư vấn chăm sóc sức khỏe mùa đông cho người dân. Ảnh: Văn Quyết

Mặc dù tích cực chủ động trong công tác phòng, tránh rét đậm, rét hại; tuy nhiên, sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm sẽ tác động lớn đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm sức chống đỡ, chịu đựng của người già và trẻ em. Chính vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan và bị động trong việc tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Theo bác sỹ Ninh, để chủ động phòng tránh các bệnh lý nói chung, bệnh về đường hô hấp nói riêng, trong thời tiết thất thường và không khí lạnh kéo dài, người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể và giữ ấm là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh. Bởi vì hệ hô hấp rất nhạy cảm với nhiệt độ, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm với độ ẩm cao, cơ thể dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Khi đã nhiễm lạnh, ở người bệnh mãn tính sẽ dễ bùng phát các bệnh hen phế quản, ứ dịch… gây khó thở. Nhất là đối với trẻ em, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, đeo khẩu trang trước khi cho trẻ ra ngoài. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi mặc ấm cho trẻ không nên mặc quá nhiều, trẻ dễ bị toát mồ hôi, mồ hôi ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết thay đổi. Thời gian này, ở người cao tuổi thường dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm phổi… Trong đó, các bệnh mãn tính, như: Hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng sẽ dễ tiến triển nặng hơn, đặc biệt bệnh tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, nguy cơ tử vong cao. Chính vì thế, người cao tuổi cần bảo đảm ăn, uống đúng giờ, giữ nếp sinh hoạt đều đặn. Ngoài ra, cần chú ý uống đủ nước, ăn chín, uống sôi; tránh ở lâu ngoài trời hoặc thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch... Ngoài ra, một trong những biện pháp tốt nhất để nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi là việc duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe.

Mặc dù thời tiết đang có dấu hiệu ấm dần, song do diễn biến thất thường nên người dân không nên chủ quan trong công tác phòng, chống rét. Khi gặp các triệu chứng về sức khỏe, cần đến ngay các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Quang Long
Bình luận
Back To Top